Bộ Y tế bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch

Anh Vũ 11/03/2020 19:57

Từ kinh nghiệm cách ly ở Sơn Lôi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cũng đang bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch vì những người dân ở đây xét nghiệm đã có kết quả âm tính.

Bộ Y tế bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch

Theo GS. TS Nguyễn Thanh Long: “Trong phòng, chống dịch bệnh thì cách ly là biện pháp đúng trong mọi trường hợp”. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Hội nghị trực tuyến với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều 11/3, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã mang đến Hội nghị sự an tâm lớn khi nói về các biện pháp phòng, chống dịch có cơ sở khoa học.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ở Việt Nam trong giai đoạn đầu, việc ngăn chặn dịch Covid-19 rất triệt để. Nhưng đến nay là giai đoạn mới và chúng ta phải có tâm thế mới khi có các ca nhiễm mới tăng cao. Tuy nhiên với sự quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tin tưởng rằng chúng ta sẽ chặn đứng được dịch, kể cả ở giai đoạn 2 này.

Sau khi giải thích vắn tắt về tốc độ lây lan của virus corona chủng mới, gây ra dịch Covid-19, ông Long nói về cơ chế lây lan. Theo đó, virus này lây lan trong giọt bắn khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Vì vậy, WHO khuyến khích cách xa nhau 1 m để phòng dịch, nhưng Việt Nam khuyến khích cách 2 m. Đường lây nhiễm thứ hai là bắt tay và đường thứ ba là tiếp xúc với các bề mặt, như tay thế, nắm cửa….

“Virus này không lơ lửng ở không khí mà sau một thời gian sẽ bám vào các bề mặt. Đây là vấn đề mấu chốt trong phòng dịch Covid-19. Vì vậy Bộ Y tế lúc nào cũng khuyến cáo rửa tay, sát trùng tay nhiều lần, vệ sinh các bề mặt. Virus này rất nhạy cảm với các chất có clo nên cũng dễ tiêu diệt”, ông Long nói

Sau khi đề cập các biểu hiện lâm sàng, ông Long cho biết thêm, trên 90% có biểu hiện sốt, do đó phải sàng lọc bằng cách đo thân nhiệt; ho (đây là nguồn gây lây nhiễm lớn nhất); có biểu hiện như bệnh cúm (đau mỏi cơ, đau người..). Nhìn chung các biểu hiện lâm sàng rất giống bệnh cúm. Thời gian ủ bệnh từ 11-14 ngày, nhưng thường là 5-6 ngày. Thời gian có khả năng lây cho người khác mạnh nhất là từ ngày 2-7, đó là lúc virus phát triển mạnh.

GS Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, ngành y tế có khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19, 16 ca đã chữa khỏi, kể cả trường hợp cao tuổi, có bệnh nền. Toàn hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc phòng chống dịch ngay từ đầu, vì vậy hiệu quả rất tốt, nhất là lực lượng công an, quân đội đã vào cuộc ngay từ đầu chứ không phải đợi dịch bùng phát mới vào cuộc. Kinh nghiệm này cần tiếp tục được áp dụng cho giai đoạn 2.

Khẳng định quyết tâm ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài vào Việt Nam, theo Thứ trưởng Long, 7 tỉnh biên giới ngay từ đầu đã làm rất tốt việc cách ly 14 ngày đối với những người từ Trung Quốc vào Việt Nam. Các biện pháp ngăn chặn khác đối với Hàn Quốc, châu Âu… cũng đang được đẩy mạnh cấp độ áp dụng. Việc khai báo y tế điện tử sẽ giúp khắc phục những hạn chế như đối với chuyến bay VN0054 và chuyến bay từ Hàn Quốc về.

“Từ khi thực hiện tờ khai điện tử, toàn bộ dữ liệu của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được nắm bắt. Đêm ngày 10/3/2020, Ban Chỉ đạo đã tìm được toàn bộ danh tính của 201 hành khách trên chuyến bay VN0054 (chuyến bay có bệnh nhân 17 và các bệnh nhân dương tính khác)”, ông Long thông tin.

Bộ Y tế bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch - 1

Khu vực cách ly tại phố Trúc Bạch ngày 9/3. Ảnh: NLD.

Giải thích cơ chế cách ly trước đây với Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và phố Trúc Bạch (Hà Nội) hiện nay, thứ trưởng Long khẳng định: “Trong phòng, chống dịch bệnh thì cách ly là biện pháp đúng trong mọi trường hợp”.

Từ kinh nghiệm cách ly ở Sơn Lôi, Thứ trưởng Long cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cũng đang bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch vì những người dân ở đây xét nghiệm đã có kết quả âm tính.

Với phương châm hành động sớm để cách ly, khoanh vùng và dập dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày thông qua 3 hình thức: Thứ nhất, cách ly tại các cơ sở y tế đối với những người dương tính, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (F0, F1). Thứ hai, cách ly tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người bệnh (F2, F3). Thứ ba, cách ly tại các cơ sở quân đội, công an và cơ sở lưu trú do chính quyền các tỉnh, thành phố chỉ đạo đối với những cá nhân từ các nước ở vùng dịch về Việt Nam. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ thực hiện cách ly cho phù hợp để làm chậm quá trình lây lan của virus và giảm tối đa lây nhiễm.

Việc điều trị cho bệnh nhân hiện nay đang được thực hiện thông tuyến, bệnh nhân phát hiện ở tuyến nào thì điều trị trực tiếp ở tuyến đó và tránh tình trạng điều trị tập trung, vì 80% bệnh nhân dương tính ở Việt Nam ở tình trạng nhẹ, nếu bệnh nhân nào nặng thì mới chuyển lên tuyến trên.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Long cũng khẳng định, thông tin về dịch Covid-19 được công bố minh bạch, kịp thời, không che giấu thông tin. Tuy vậy, hiện nay vẫn có quá nhiều nhận thức sai lầm về công tác phòng chống dịch, gây tâm lý xã hội hoang mang. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng vào giải pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, không hoang mang, lo sợ

“Đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo MTTQ các cấp, cùng với cùng các tổ chức thành viên vào cuộc quyết liệt “an dân, yên dân”, để người dân tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng vào các biện pháp đang được tiến hành” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Y tế bàn với Hà Nội thu hẹp cách ly ở Trúc Bạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO