Bốn cha con học chung một lớp

Đoàn Xá 31/08/2016 09:25

Mặc dù không cùng độ tuổi nhưng có chung ước mơ, nguyện vọng và một mái nhà nên thời gian qua, cả 4 cha con ông Phạm Văn Tiếp, 54 tuổi ngụ ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đều miệt mài theo học cùng nhau ở lớp Y sỹ y học cổ truyền, thuộc Trường Trung cấp Tây Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP HCM).

4 cha con ông Tiếp đang học cùng 1 lớp.

Học thuốc để làm người

Tiếp xúc với chúng tôi trong một buổi trưa cuối tuần nắng nóng ở giảng đường, ông Phạm Văn Tiếp cười thật thà bảo, ban đầu cứ nghĩ học lấy cái bằng, vì cây thuốc đông y mình biết nhiều nhưng đến lớp mới biết, cái gì mình cũng…không biết.

Ngoài ông Tiếp đang theo học lớp này, 3 người còn của ông lần lượt là Phạm Công Nhật (30 tuổi), Phạm Thị Anh Thư (27 tuổi) và Hà Minh Dương (con rể ông Tiếp) không hẹn mà gặp cũng cùng học một lớp với cha mình. Cũng như tất cả các học viên khác, cả gia đình ông Tiếp đều học hành chăm chỉ.

Được biết, cách đây chừng 15 năm, ông Tiếp có mở một phòng khám đông y chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo quanh vùng ở tại gia đình ông, nằm trên địa bàn xã Trường Tây (huyện Hòa Thành).

Đây là nghề thuốc gia truyền và cũng là niềm đam mê từ bé của ông. Vì thế, dù chưa qua trường lớp đào tạo nhưng bằng kinh nghiệm cha mình truyền lại, ông Tiếp gần như thuộc làu và biết các loại bệnh, loại thuốc sử dụng ở lĩnh vực đông y.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người bị bệnh nhờ ông mà chữa khỏi những chứng nan y khiến công việc của ông ngày một nhiều. Thế nên, các con ông cũng hăng hái tham gia giúp cha. Tuy nhiên, cả nhà chỉ bốc thuốc chữa bệnh giúp người dân bằng kinh nghiệm, thói quen và kiến thức tự học chứ chưa qua trường lớp.

Vậy nên ông Tiếp dặn các con, và cũng là với bản thân mình, cả nhà phải quyết tâm học để lấy cái bằng nghề y và một nền kiến thức y học cơ bản.

Chị Anh Thư, con gái ông Tiếp nói, do chương trình học vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật nên từ 4h sáng, cả nhà đã dậy rồi dùng xe máy chạy tới trường. Với khoảng cách lên đến 80 cây số, sau 2 ngày học xong, cả nhà lại khăn gói đi về.

“Chương trình học ở đây là 2 năm nên chúng tôi cùng nghe lời cha, quyết tâm học tốt từng môn học để không phải kéo dài thời gian tốt nghiệp, vừa ảnh hưởng đến công việc, vừa tốn tiền của gia đình”, chị nói thêm.

Ước mơ giản dị

Về mục đích đi học ở đây, ông Tiếp đã chia sẻ như trên. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, không phải đợi đến bây giờ ông mới biết bản thân mình làm nghề đông y bốc thuốc cho bao nhiêu người mà chưa có bằng cấp là thiếu sót. “Trước đây tôi từng có ý định đi học ngành y cổ truyền 2 lần nhưng đều lỡ làng. Phần vì bản thân chưa thực sự quyết tâm, phần vì hồi đó chưa có các con… đi học cùng”, ông Tiếp cho biết.

Được biết, cả 3 người còn của ông Tiếp hiện nay đều có ý định sẽ tiếp tục theo nghề y cổ truyền để bốc thuốc vì đây là nghề truyền thống của gia đình. Người con cả Phạm Công Nhật cho biết, khi nghe cha có ý định theo học lớp Y cổ truyền này, chúng tôi cũng phân vân lắm vì điều kiện thời gian, kinh tế.

“Trước đây học xong phổ thông, tôi cũng có ý học lên tiếp mà nhiều lý do phải ở nhà phụ cha mẹ, bây giờ có cơ hội, lại được cha khuyên nên quyết tâm theo học”, anh Nhật chia sẻ.

Theo một giảng viên của khoa Y học cổ truyền, cả bốn cha con nhà ông Tiếp đều có niềm đam mê về y học dân tộc và rất ham học. Đặc biệt, do từ nhỏ đã tiếp xúc với các loại đông y nên cả 4 người đều có kiến thức nền rất tốt.

Tuy nhiên, trước kia tất cả các học viên này đều không được đào tạo qua trường lớp nên không có tư duy xâu chuỗi và giải thích nguồn gốc của vấn đề như vì sao bệnh này thì bốc thuốc này, bệnh kia lại bốc thuốc kia. Những bệnh cùng dạng thì bốc thuốc như thế nào… Hi vọng sau khóa học này, không chỉ ông Tiếp mà các con ông sẽ có thêm một lượng kiến thức cần thiết để hành nghề y cứu người, giúp đời.

Được biết, do cả bốn người trong gia đình cùng đi học nên các chi phí khá tốn kém, thậm chí ông Tiếp còn cho biết chưa thanh toán đủ học phí cho nhà trường. Về chuyện này, dù khá tế nhị nhưng thầy Lê Khắc Thương- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn cho biết, Ban giám hiệu đã thống nhất quyết định cho gia đình 4 học viên được thanh toán học phí theo từng đợt một.

Nghĩa là, khi nào gia đình đủ điều kiện thì có thể hoàn thành cho nhà trường. Ngoài ra, thầy Thương cũng tiết lộ, tại khoa Y học cổ truyền của trường có nhiều học viên đặc biệt cùng huyết thống gia đình vì nhiều người làm nghề đông y nhiều năm nhưng đến nay mới có điều kiện đi học để bổ sung kiến thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bốn cha con học chung một lớp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO