Bóng đá Việt Nam đòi cải tổ

Khánh Vy 23/09/2016 09:05

Bóng đá trong nước đang rộ lên câu chuyện về 2 lá đơn của các cựu cầu thủ cùng cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng gửi đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện kiến nghị chấn chỉnh bộ máy lãnh đạo VFF (LĐBĐVN). Thực tế, các vấn đề nêu trong 2 bức thư không có gì quá mới so với những đóng góp của dư luận từ nhiều năm qua. Nhưng nó dấy lên hy vọng về một cuộc cải tổ quyết liệt mà Bộ sẽ quyết thực hiện sau khi lắng nghe ý kiến dư luận.

Phản ứng trọng tài, bạo lực hay sân vận động thiếu vắng khán giả
là hình ảnh quen thuộc tại V.League hiện nay.

Nhận diện đúng mới mong thay đổi

2 lá đơn này đang làm xôn xao dư luận. Xôn xao là phải, vì người Việt yêu bóng đá, mà đã yêu rồi thì sẽ dễ đau, dễ giận và họ muốn được chữa hết cơn đau dứt điểm. Với đa số người hâm mộ (NHM) thì nó là một tín hiệu vui, một hành động được coi là tiếng nói mạnh mẽ để đưa bóng đá Việt Nam phát triển - điều mà NHM bóng đá Việt Nam mong mỏi. Nhưng với nhiều CĐV theo dõi sự phát triển của bóng đá nước nhà thì họ lại cho rằng những lá đơn này rồi cũng sẽ giống như nhiều chuyện ầm ĩ trước đây của bóng đá Việt sẽ nhanh chóng “chìm xuồng” và rơi vào quên lãng.

Trong bức tâm thư gửi đến Bộ trưởng, gần 100 cựu cầu thủ, trọng tài đã nêu lên thực trạng tồn tại ở bóng đá Việt Nam bấy lâu nay. Đó là Giải vô địch QG (V.League và hạng Nhất) ngày càng ít người xem. Khán giả phản ứng tẩy chay không đến sân ủng hộ bóng đá bởi họ không tìm thấy ở bóng đá niềm tin, sự trung thực, tính nghệ thuật cao trong môi trường đua tranh công bằng, quyết liệt như họ từng thấy trên các sân cỏ quốc tế. Hiện tượng “một ông chủ 4 đội bóng” vẫn ngang nhiên tồn tại làm các trận đấu luôn luôn bị nghi ngờ. Trong điều hành giải, các trọng tài luôn mắc nhiều sai sót nghiêm trọng, đặc biệt bỏ sót các hành vi bạo lực khiến nhiều cầu thủ chấn thương nặng, thậm chí có người vĩnh viễn mất nghề…

Ở đây không bàn về tính chất của bức tâm thư, nhưng phản ứng của những người đang còn tâm huyết với bóng đá nước nhà nên được ghi nhận, xem xét một cách nghiêm túc. Rõ ràng các cơ quan quản lý lúc này nên nhận diện lại nền bóng đá nước nhà, mới mong có sự thay đổi phù hợp đáp ứng phát triển. Cần thực sự nhìn nhận một cách rõ ràng bóng đá Việt đang ở đâu?

Trước hết, khi nói một nền bóng đá, đầu tiên và quan trọng nhất là sức mạnh và vị thế của ĐTQG mà không phải là các đội U hay là BĐ nữ. BĐVN trước đây từng có thời điểm được xếp hạng trong nhóm 100 (xếp thứ 97) và bây giờ đang ở vị trí 138, xếp sau Thái Lan 18 bậc và sau Philippines 4 bậc. Thứ hạng đó đã cho câu trả lời đầu tiên rằng BĐVN đang đi lên hay xuống. Thành tích của ĐTVN đến lúc này mới chỉ là một lần lên ngôi ở AFF Cup 2008, có mấy lần vào chung kết tại các kì SEA Games từ ’95, 97...2003, rồi từ đó đến nay thua trận dài dài, vào bán kết đã là khó. Riêng bóng đá nữ cũng đã để mất chức vô địch ĐNA rồi chiếc vé dự World Cup vào tay Thái Lan rồi.

Còn tại giải VĐQG. Lâu nay, VFF thường vẫn tự hào cho rằng V-League thuộc loại hấp dẫn nhất tại khu vực. Nhưng thực tế lại chẳng như họ đang tự huyễn hoặc mình. Hiện tượng xin-cho vẫn còn, việc “chơi thì chơi, chán thì bỏ” cũng thường xuyên là mối đe dọa sự an toàn của giải. Luật chơi chưa chặt chẽ qua hiện tượng một ông chủ 4 đội bóng. Bạo lực càng tệ hại hơn và hiện tượng trọng tài thổi sai, thổi kém đã đẩy lên thành vấn nạn….

Câu chuyện trọng tài ở mùa giải 2016 đúng là một thảm họa. Thế nhưng người phải chịu trách nhiệm chính là ông trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi lại vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm một cách ngoạn mục. Việc ông Mùi tiếp tục giữ vai trò là người đứng đầu ban trọng tài VFF như “trêu ngươi” dư luận sau hàng loạt sự cố bóng đá liên quan đến trọng tài. NHM bức xúc, lãnh đạo VFF cũng muốn “bẻ ghế” ông Mùi. Thế nhưng việc 16/21 ủy viên BCH VFF bỏ phiếu tán thành việc “giữ ghế” cho ông trưởng ban trọng tài đã khiến lãnh đạo VFF bị việt vị nặng.

Bóng đá là sân khấu mà ở đó khán giả là những người công tâm nhất. VFF cứ vỗ ngực khen giải V-League đang hấp dẫn hơn bao giờ hết khi có 4 đội cùng đua tranh chức vô địch nhưng tại sao giải hay vậy, hấp dẫn vậy mà khán giả đến sân càng lúc càng giảm sút sau mỗi vòng đấu? Nhiều khán giả cho rằng xem bóng đá giờ đây họ không chỉ được xem cuộc đấu giữa các cầu thủ trên sân, mà còn đang phải xem thêm một số vở hài kịch của một nhóm người “diễn” ở “cái sân khấu bốn mặt” để tranh giành quyền lợi.

Một điểm mạnh mà VFF hay bấu vào đó là thành công trong đào tạo trẻ những năm gần đây. Thế nhưng, thành công của bóng đá trẻ đến từ những Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, Học viện PVF, Viettel... đó đều là thành quả của các doanh nghiệp mà không phải của VFF.

Tình trạng một ông chủ bốn đội bóng được đề cập là câu chuyện không mới, cả nước biết chuyện này. Nhưng để có căn cứ, cơ sở để xử vấn đề này là quá khó bởi khi Thanh tra bộ VHTT và du lịch đã kết luận bóng đá Việt Nam không có trường hợp “một ông chủ nhiều đội bóng”. Bởi vậy, dù thực tế là hiện tượng “nhường điểm”, “dồn điểm” cho 1 đội bị đặt dấu hỏi nhưng cuối cùng hòa cả làng.

Chính điều đó càng khiến chất lượng giải đấu không cao, khán giả quay lưng với bóng đá đó há chẳng phải trách nhiệm của VFF hay sao? Cùng với đó, những chỉ trích vào bộ máy lãnh đạo VFF hoàn toàn là đúng. Mấy nhiệm kì vừa qua, ngày càng thấy sự vắng mặt tuyệt đối của người thật sự làm bóng đá mà đa số là tay ngang. Bởi vậy, những kiến nghị về việc chấn chỉnh bộ máy VFF của các cựu cầu thủ và cựu trọng tài xem là ra hợp lòng dân và hợp quy luật.

Hành động vì sự phát triển

Những cựu cầu thủ, cựu trọng tài đến lúc này đã có thể phần nào yên tâm khi những lá thư của mình đã đến tận tay bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Cùng với đó, những ý kiến chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng đến lúc này đang khiến họ tràn đầy hy vọng. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi sao cho đáp ứng được niềm tin, tình yêu và lòng mong mỏi của đông đảo người hâm mộ. “Nói đến thể thao không thể không nói đến bóng đá vì đây là môn thể thao được đông đảo người hâm mộ, nhân dân yêu thích. Thế nhưng tại sao cho đến giờ bóng đá vẫn chưa đáp ứng được lòng mong mỏi ấy, vẫn khiến người hâm mộ phải buồn lòng. Bộ và Tổng cục TDTT là cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về bóng đá nói riêng và TTVN nói chung. Để bóng đá tồn tại những vấn đề như hiện nay có phần trách nhiệm của chúng ta”, Bộ trưởng thẳng thắn cho biết.

Cùng với đó, ông cũng cho rằng “Bóng đá Việt Nam phải được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, dựa trên nền tảng văn hóa và đạo đức sao cho đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, người hâm mộ. Nếu làm không tốt thì chúng ta có tội với nhân dân, có tội với đất nước. Đừng để lãng phí bất cứ một giờ, một phút nào nữa, hãy hành động vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung”.

Những trăn trở, của các cựu danh thủ về những vấn đề còn tồn tại của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua đều được nhiều người nhận thấy. Tuy nhiên, ai cũng hiểu để chữa trị căn bệnh trầm kha này cũng không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Sự chỉ đạo quyết liệt ngay lúc này từ phía lãnh đạo Bộ đã cho thấy đây sẽ không còn là “nhận diện, nêu ra, rồi để đấy” hoặc làm đối phó cho có vốn xảy ra nhiều lần từ trước đến nay.

Vấn đề tiên quyết với bóng đá Việt lúc này là phải hành động và hành động thực tế nhất có lẽ Bộ VH-TT & Du lịch nên sớm tổ chức một hội nghị với sự có mặt của những người đã, đang cực kỳ tâm huyết muốn được đóng góp ý kiến để đưa bóng đá nước nhà đi lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng đá Việt Nam đòi cải tổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO