Bóng đá Việt: Tiến gần giấc mơ World Cup

THANH HÀ 26/08/2022 05:58

World Cup 2026 sẽ có số đội tuyển tham dự tăng từ 32 lên 48. Do vậy, sẽ có thêm 4 suất cho châu Á (từ 4,5 lên 8,5 suất). Đây là thông tin nhận được sự quan tâm của những người yêu bóng đá nước nhà khi tuyển Việt Nam có thêm cơ hội tiến gần tới giấc mơ dự World Cup.

Cơ hội đến World Cup với tuyển Việt Nam đã rộng mở hơn so với trước nhưng cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.

Thêm cơ hội

World Cup 2026 tại Canada, Mỹ và Mexico là kỳ Cúp thế giới đầu tiên trong lịch sử mà lục địa đông dân nhất - châu Á, sở hữu tới 8,5 suất tham dự. Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Bóng đá châu Á, 8,5 suất tham dự World Cup 2026 bao gồm 8 đội giành vé trực tiếp và một đội đá play-off với khu vực khác. Đương nhiên, đây là thông tin rất nhiều đội bóng châu Á chờ đợi, trong đó có Việt Nam.

Vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ có 4 vòng, sẽ nhiều hơn 1 so với World Cup 2022. Cụ thể, vòng 1 gồm các đội tuyển từ 26 đến 47 trên bảng thứ tự FIFA - khu vực châu Á bắt cặp với nhau, đấu loại trực tiếp để chọn ra 11 đội tuyển lọt vào vòng 2. Các đội từ thứ nhất đến 25 bắt đầu thi đấu từ vòng 2.

Sau vòng loại thứ hai thì 18 đội góp mặt ở vòng loại thứ 3 được chia làm 3 bảng, 2 đội đứng đầu mỗi bảng có vé dự World Cup. 6 đội đứng thứ 3 và 4 ở các bảng được bốc thăm chia làm hai bảng, mỗi bảng có 3 đội tiếp tục thi đấu ở vòng 4. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng. Hai đội dẫn đầu mỗi bảng ở vòng 4 giành 2 suất đi thẳng còn lại của châu Á đến Mỹ, Mexico, Canada (chủ nhà World Cup). Hai đội đứng thứ 2 thi đấu play-off, đội thắng sẽ đấu trận play-off liên lục địa để giành tấm vé vớt.

Nếu nhìn lại vòng loại World Cup 2022, 6 chủ nhân đầu tiên dự World Cup 2026 của châu lục sẽ thuộc về các đội nhất và nhì bảng ở vòng loại thứ ba, giai đoạn 18 đội chia vào 3 bảng và tuyển Việt Nam có khả năng lớn được tham dự ở vòng loại này.

Tuy nhiên, những tấm vé này khó lọt khỏi tay những ông lớn Iran, Hàn Quốc, UAE, Saudi Arabia, Nhật Bản và Australia. Thực tế nói rằng tuyển Việt Nam gần như không có cơ hội cạnh tranh với nhóm này dù nỗ lực đến cỡ nào. Cơ hội với tuyển Việt Nam có lẽ chỉ bắt đầu từ 2 tấm vé trực tiếp tiếp theo ở vòng loại thứ 4.

Giai đoạn này, các đội xếp thứ 3 và 4 vòng loại thứ ba (6 đội) sẽ được AFC chia thành 2 bảng, mỗi bảng 3 đội và thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt. 2 đội nhất bảng giành 2 suất trực tiếp dự vòng chung kết World Cup 2026. Vị trí thứ 3 hoặc 4 ở vòng loại thứ ba là mục tiêu khả thi và rõ ràng nhất của tuyển Việt Nam.

Tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, thầy trò HLV Park Hang Seo vào tới vòng loại thứ ba. Đây là thành tích cao nhất của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay. Tuy nhiên, chúng ta chỉ xếp cuối bảng sau 10 trận đấu, giành được 4 điểm với một trận thắng trước Trung Quốc và một trận hòa trước Nhật Bản.

Nếu ở vòng loại World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam không thể làm tốt hơn, thì giấc mơ tham dự giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh vẫn chưa thể thực hiện được. Theo đó, chúng ta không chỉ phải vào tới vòng loại thứ ba, mà còn phải ít nhất đứng thứ 3 hoặc thứ 4 của bảng đấu để có mặt ở vòng thứ 4 để có cơ hội đi tiếp. Chúng ta có thể tận dụng thời cơ nếu những lá thăm đưa ta gặp những đội không vượt quá xa về đẳng cấp như Trung Quốc, Syria hay Lebanon hoặc các đội Đông Nam Á nằm cùng bảng ở giai đoạn này.

Đây cũng là cơ hội cuối cùng với tuyển Việt Nam nếu đứng nhì bảng ở vòng loại thứ tư. Khi đó, chúng ta sẽ đá vòng play-off để chọn ra đại diện cuối cùng của châu Á rồi tiếp tục đá play-off liên lục địa. Đối thủ ở vòng play-off liên lục địa vốn chưa được FIFA xác định.

Nỗ lực càng lớn

Việc FIFA tăng số đội tham dự ở World Cup 2026 từ 32 lên 48 đội, mở ra cơ hội với các đội bóng châu Á và trong đó có bóng đá Việt Nam. Với vị trí thứ 17 châu Á hiện tại, cơ hội để tuyển Việt Nam lần đầu giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được mở rộng hơn nhưng vẫn là thử thách lớn. Chỉ có điều so với vòng loại World Cup 2022, kỳ vòng loại tới các đội phải thi đấu 4 vòng, nên cần phải có sự chuẩn bị kỹ về mặt con người, thể lực, tài chính...

Điều quan trọng lúc này là chất lượng của các giải vô địch quốc gia, sự quan tâm tới các tuyến trẻ và bài toán đầu tư tài chính. Các quốc gia đặt mục tiêu dự World Cup họ thường phải chi hàng chục triệu USD. Đó là bài toán không dễ với Việt Nam. Như vậy, cơ hội là có, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ với bóng đá nước nhà.

Ở thời điểm hiện tại, tuyển Việt Nam đang có lứa cầu thủ được đánh giá là tốt nhất trong nhiều năm qua. Trong danh sách tập trung tuyển Việt Nam gần nhất, đa số các cầu thủ đều 24 - 25 tuổi, nghĩa là sẽ bước vào độ chín sự nghiệp trong vài ba năm tới.

Bên cạnh đó còn là lứa U23 dưới sự dẫn dắt của HLV Gong Oh Kyun đã chơi xuất sắc ở vòng chung kết Giải U23 châu Á 2022. Ngoài yếu tố con người, tuyển Việt Nam cũng được đánh giá cao ở lối chơi và tinh thần thi đấu. Sự cải thiện tinh thần khi đối đầu các đội bóng lớn cùng với đó là khát vọng chiến thắng đã giúp tuyển Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong tâm thế.

Có thể thấy, "những chiến binh sao vàng" giờ đây đã không còn ngán các đội bóng lớn châu Á, thậm chí còn nghĩ về chiến thắng khi bước vào sân. Đó thực sự là bước tiến lớn và rất quan trọng với Việt Nam trong hành trình nâng tầm bóng đá.

Nhìn vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là những sao mai đang nở rộ tại V-League, người hâm mộ hoàn toàn có quyền hy vọng vào một chiến tích lịch sử trong 4 năm tới. Nhưng phải thẳng thắn thấy rằng, dù số đội dự World Cup ở khu vực châu Á được tăng lên nhưng việc giành vé cũng còn rất gian nan với đội tuyển Việt Nam.

World Cup 2026 còn 4 năm nữa nhưng thực tế chúng ta chỉ có 3 năm chuẩn bị để bước vào vòng loại. 3 năm, quãng thời gian không phải là dài cho một lộ trình chuẩn bị, và ngay từ bây giờ Việt Nam cần phải thực hiện ngay đề án World Cup 2026 thì mới kịp. Được biết, Bộ VHTTDL đã giao VFF bắt tay vào xây dựng đề án này để sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng đã có những câu hỏi được dành cho “đề án World Cup 2026”, dù chỉ mới hé lộ những thông tin ban đầu.

Chẳng hạn, tại sao lại “khoanh vùng” lứa cầu thủ được đưa vào dự án (như VFF cho biết thì là các cầu thủ sinh từ 1996 đến 2003)? Khoảng 60 đến 70 cầu thủ - thuộc lứa dự World Cup U.20 năm 2017, giành ngôi á quân giải U.23 châu Á 2018; lứa vào Top 4 ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019; vào vòng loại thứ ba World Cup 2022; thế hệ giành HCV SEA Games 30, 31; thế hệ dự giải U.23 châu Á 2022 - sẽ được chọn. Tức là đến thời điểm World Cup 2026, họ sẽ ở độ tuổi từ 21 đến 28. Đó thực sự là vấn đề khó trả lời bởi đội tuyển quốc gia đương nhiên không giống như các đội U để tất cả các cầu thủ phải cùng lứa, bởi ai cũng hiểu, sân chơi lớn đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm chứ không đơn giản chỉ là sức.

Chia sẻ về tham vọng World Cup của bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo từng nói: “Chúng ta cần một tầm nhìn và kế hoạch cụ thể để triển khai có hệ thống. Ngay lúc này, chúng ta phải chuẩn bị để có lứa cầu thủ đạt đến trình độ World Cup. Đối với tôi, Việt Nam cần những kế hoạch mang tính kế thừa, tuần hoàn và xây dựng hệ thống hoàn thiện hơn về hành chính, cấu trúc. Có thế World Cup mới không còn là giấc mơ nữa.

Tôi không rõ đến World Cup 2026 tôi còn ở Việt Nam không, nhưng dù là ai làm thì một cá nhân không thể giúp Việt Nam đi World Cup được. Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải có kế hoạch dài hạn và xây dựng đội ngũ nhân sự hoàn chỉnh. Chính phủ Việt Nam chắc chắn đang có kế hoạch để chuẩn bị. Bóng đá Việt Nam cần nhiều chuyên gia về kỹ thuật, dinh dưỡng, thể lực, phân tích trận đấu, tâm lý”.

Khó khăn, thử thách là lớn cho tham vọng vươn tới giấc mơ dự World Cup của bóng đá nước nhà. Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh nói rằng, chỉ khi nào tuyển Việt Nam lọt vào Top 10 châu Á như chỉ tiêu được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì mới có cơ hội giành suất đến World Cup.

“Bóng đá Việt Nam giai đoạn hiện tại vẫn chưa đạt tới đẳng cấp World Cup. Điều này đã được thể hiện thông qua kết quả tại vòng loại thứ ba của World Cup 2022. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng từ sự tiến bộ của các cầu thủ", ông Hoài Anh chia sẻ.

Câu hỏi đã được đặt ra là, 4 năm liệu có đủ cho một bước “đại nhảy vọt” từ vị trí thứ 17 lên Top 10 tại châu Á? Tổng Thư ký của VFF nói đúng một phần là nếu vào Top 10 sẽ “có cơ hội” giành suất đến Cúp thế giới. Chỉ là cơ hội thôi, bởi rõ ràng là trừ quốc gia chủ nhà, việc giành suất đến World Cup dựa vào kết quả ở vòng loại chứ không phải vị trí trên bảng xếp hạng FIFA.

Cơ hội đến World Cup với tuyển Việt Nam đã rộng mở hơn so với trước nhưng cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, thậm chí còn căng thẳng hơn khi số lượng trận đấu tăng lên. Tuyển Việt Nam phải làm gì để có vé đến World Cup 2026 là bài toán cần lời giải từ sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của ngành thể thao hay các nhà quản trị nền bóng đá nước nhà, mà còn của toàn xã hội. Điều đó cho thấy, bóng đá Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là đào tạo trẻ mới có thể hy vọng chạm tay tới giấc mơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng đá Việt: Tiến gần giấc mơ World Cup

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO