Bước 'đột phá' ở một huyện nghèo

Phạm Hưởng 24/11/2016 13:25

Huyện Kon Plông được xem là “rốn nghèo” của tỉnh Kon Tum và đang thụ hưởng chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những năm qua với sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, xa đã từng bước được đổi thay.

Dẫu vậy để Kon Plông nhanh chóng thoát khỏi “rốn nghèo” thực sự trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh rất cần một sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền.

Bước 'đột phá' ở một huyện nghèo

Cán bộ địa chính xã Măng Cành đang hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà phê chè xứ lạnh.

Được ví như Đà Lạt thứ hai hay “nàng tiên nữ” với nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng Kon Plông hiện vẫn được liệt kê vào danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.

Toàn huyện có 9 xã với quy mô dân số 25 ngàn dân nhưng có đến trên 54% là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều). Sở dĩ bao năm qua, Kon Plông luôn trong “top” huyện nghèo được xác định có nhiều nguyên nhân nhưng hai vấn đề then chốt đang dần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm gỡ nút thắt.

Nếu trung tâm thị trấn Măng Đen có khí hậu mát mẻ địa hình khá bằng phẳng thì tất cả các xã trong huyện đều có địa hình chia cắt xé nhỏ, giao thông đi lại khó khăn, người dân sinh sống phân tán nên rất khó khăn trong vấn đề giao thương, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là khâu đột phá, huyện Kon Plông đã tập trung các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trung ương và các nguồn vốn lồng ghép địa phương đã dần giúp huyện từng bước tháo gỡ những khó khăn về giao thông.

Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến 2015 toàn huyện đã đầu tư xây dựng 44 công trình với tổng mức đầu tư trên 280 tỉ đồng, cùng với đó là hàng ngàn km đường giao thông liên thôn, xã được kết nối từng bước làm thay đổi diện mạo nhiều thôn làng.

Bao năm sống trong niềm mơ ước có được con đường bê tông để tránh nắng bụi mưa lầy. Có mặt ngày nghiệm thu công trình đường giao thông nội thôn, ông A Klu, thôn Tu Nông, xã Măng Bút phấn khởi cho biết “Trước kia chưa có con đường này, người dân đi làm ăn rồi mấy đứa trẻ đi học khổ lắm, nhất là vào mùa mưa bão đường xá lầy lội đi được tới trường thì đất bùn từ chân tới đầu, giờ thì đỡ quá rồi”.

Ngoài ra, để phá thế “độc canh” từ cây lúa, thói quen phá rừng làm rẫy, huyện Kon Plông đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai các chính sách như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi năng suất, hiệu quả phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu...

Để đa dạng hóa cây trồng, các cấp chính quyền trong huyện đã dày công nghiên phân chia các tiểu vùng khí hậu khác nhau và đưa về những cây, con giống phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng từng địa bàn thôn, xã.

Những vùng bán sơn địa mang kiểu khí hậu đặc trưng của miền Trung có cường độ nắng cao thì được huyện khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, trồng cây bời lời, cây keo, một số xã còn lại thì tập trung phát triển chăn nuôi trâu, kết hợp phát triển cây cà phê, rau hoa, củ quả xứ lạnh.

Từ đó huyện đã nhanh chóng cho ra đời “mô hình” nuôi bò liêt kết hộ hay “mô hình” hỗ trợ bò cho các đối tượng hộ nghèo đã dần lan tỏa khắp các thôn làng trên địa bàn huyện, nhiều gia đình như tiếp thêm động lực để thoát nghèo. Kết hợp với các mô hình “kích” dân thoát nghèo thì Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh cũng được triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Anh A Nổ, thôn Kon Chên, xã Măng Cành cho biết: “Mới đầu mình chỉ biết trồng cây lúa rẫy với những cây bời lời, cây cà phê bước đầu khá xa lạ nhưng được cán bộ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách chăm sóc trồng 5.000 gốc cà phê xứ lạnh. Năm nay, mới được thu hoạch, bán được hơn 50 triệu đồng”, A Nổ tâm sự.

Theo ông Trịnh Xuân Qúy, Phó phòng NN&PTNT huyện Kon Plông, hầu hết các hộ nghèo đã được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc BVTV, chuồng trại… được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.

“Từ đó nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, biết áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất và chăn nuôi. Việc giao khoán, chăm sóc bảo vệ rừng bước đầu tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập cải thiện sinh kế”, ông Qúy cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước 'đột phá' ở một huyện nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO