Buôn lậu pháo nổ: Vì sao chưa dẹp được?

Nguyễn Hoài 06/01/2022 13:07

Mặc dù là loại hàng hóa bị cấm lưu thông, buôn bán, sử dụng, thế nhưng nhiều loại pháo hoa, pháo nổ có thể gây nguy hiểm tính mạng và làm mất an ninh trật tự lại luôn nở rộ vào dịp cuối năm.

Liên tiếp các vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu đã được các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trong những ngày qua. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, nhiều đối tượng bất chấp các chế tài xử phạt, tìm mọi thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển các loại pháo, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân.

Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ việc quy mô lớn

Càng gần Tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng cả nước liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc quy mô lớn.

Giữa tháng 11 vừa qua, một đường dây buôn bán pháo nổ siêu “khủng” từ Quảng Trị về Nghệ An đã được triệt phá thành công. Cụ thể, ngày 14/11, lực lượng chức năng Nghệ An đã đồng loạt phá án thành công, bắt giữ 7 đối tượng và thu giữ tang vật hơn 1.500 kg (1,5 tấn) pháo nổ các loại tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc.

Công an quận 5 bắt giữ đối tượng bán pháo nổ trái phép.

Ngay sau đó, ngày 16/11, lực lượng chức năng hai tỉnh Nghệ An và Quảng Trị đã phối hợp phá án, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ tang vật 61 bao tải, trong có chứa hơn 900 kg pháo nổ các loại. Tổng số tang vật thu giữ được lên hơn 2.627 kg pháo các loại.

Được biết, để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng đã chia nhỏ lượng “hàng” và cất giữ tại nhiều địa điểm khác nhau trên các địa bàn. Khi thấy thời cơ thuận lợi, số pháo được cất giấu sẽ được ngụy trang và vận chuyển bằng nhiều hình thức để giao cho người mua.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn An (17 tuổi; trú tại thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) về hành vi mua bán hàng cấm là pháo hoa nổ.

Trước đó, tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận bản thân không có việc làm ổn định nên vào mạng xã hội Facebook tìm người bán pháo nổ để mua về chơi và đồng thời rao bán pháo trên mạng internet để kiếm lời.

Công an Quận 5 (TP Hồ Chí Minh) cũng vừa phát hiện liên tiếp 2 vụ mua bán pháo nổ trái phép, tạm giữ 2 đối tượng là Trương Ngọc Thắng (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) và Nguyễn Hoàng Lâm (22 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để điều tra xử lý về hành vi buôn bán pháo lậu.

Đáng chú ý, đối tượng cũng khai nhận mua bán pháo nổ từ nhiều đối tượng khác nhau qua mạng xã hội, sau đó rao bán lại cho khách có nhu cầu để kiếm lời.

Cơ quan quản lý có mạnh tay?

Có thể thấy, các đối tượng buôn bán pháo lậu ngày càng hoạt động tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Pháo lậu chủ yếu được các đối tượng tuồn từ các tỉnh phía Bắc vào thông qua đường sắt và đường bộ. Nhiều đối tượng thường xuyên thay đổi hành tung, ngụy trang pháo trong các thùng đồ gia dụng, quà tặng khiến công tác trinh sát gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, các đối tượng cũng đã “phát huy” ưu thế của internet, giao dịch qua mạng xã hội, biến đây trở thành chợ “đen” buôn bán pháo lậu.

Không chỉ buôn bán, vận chuyển pháo lậu, theo tìm hiểu, hiện nay, trên mạng xã hội, thậm chí cả các sàn thương mại điện tử, thuốc pháo được các đối tượng bán trá hình dưới dạng “phân bón”.

Thuốc pháo được các đối tượng bán trá hình là "phân bón".

Trên trang Lazada Việt Nam, khách hàng có thể dễ dàng mua combo 3 loại phân bón: KCLO3, lưu huỳnh, than xoan mịn với giá chỉ tử 150.000 đến 226.000 đồng/combo. Bên cạnh khách hàng là nông dân mua sản phẩm để phục vụ trồng trọt, có một số khách hàng mua với mục đích để làm pháo tự chế.

Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ trên địa bàn, Công an TP Hà Nội đã mở đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm liên quan đến pháo nổ.

Theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm, ngoài việc tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống pháo; lồng ghép thông qua phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động người dân, cán bộ, giáo viên, học sinh và các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm về pháo, thì đấu tranh trực diện để ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này là một trong những biện pháp được lực lượng công an chú trọng.

Các lực lượng chức năng cũng tăng cường quản lý chặt địa bàn, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố lân cận, ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo vào thành phố.

Dù lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường quản lý chặt tại địa bàn nhưng rõ ràng hiện nay công tác quản lý việc mua bán pháo tràn lan trên mạng xã hội vẫn còn nhiều kẽ hở.

Có cầu ắt có cung, thực tế cho thấy, giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép là phải cắt nguồn cung. Các loại pháo cấm xuất hiện trong nước hầu hết có nguồn gốc từ nhập lậu.

Bởi vậy, nếu lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý các đường dây buôn lậu pháo; đặc biệt, có biện pháp xóa bỏ các tài khoản buôn bán pháo trái phép trên mạng xã hội... thì lúc đấy đối tượng buôn bán pháo lâu khó có cơ hội tung hoành như hiện nay.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang tới gần, mong rằng các cơ quan chức năng tăng cường, kịp thời có biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, tránh các tai nạn thương tâm xảy ra liên quan tới pháo nổ dịp đầu năm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buôn lậu pháo nổ: Vì sao chưa dẹp được?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO