Buồn vui danh hiệu

Minh Quân 11/11/2019 23:00

Ngày 11/11 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89/2014/NĐ-CP (Nghị định 89) của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Nhiều ý kiến cho rằng việc xét tặng căn cứ vào huy chương đang làm giảm giá trị của danh hiệu...

Buồn vui danh hiệu

Giảm nhiều thủ tục

Theo dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89, từ năm 2015 đến nay, qua 2 đợt xét tặng danh hiệu đã có 186 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND; 686 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT. Nghị định 89 được ban hành những quy định mới, rõ ràng đã đáp ứng được nhu cầu của thực tế về công tác xét tặng danh hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ. Đơn cử như quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của lĩnh vực Múa đã giảm 5 năm so với các đợt xét trước (hiện là 10 năm đối với NSƯT và 15 đối với NSND). Bên cạnh đó, quy định xét danh hiệu NSƯT đã tính tới Huy chương Bạc. Cụ thể, với NSƯT cần đạt 2 Huy chương Vàng hoặc 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Nghị định cũng chính thức xem xét, quy đổi Giải thưởng tác phẩm cho một số thành phần tham gia vở diễn, tác phẩm... Đặc biệt về khâu thủ tục các nghệ sĩ chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất từ Hội đồng cấp cơ sở. Hồ sơ gốc của nghệ sĩ được gửi lên Hội đồng cấp trên; việc sao lưu hồ sơ tại các cấp Hội đồng do các đơn vị thực hiện. Quy định này đã giảm thiểu phiền hà cho nghệ sĩ và đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, tại Hội nghị nhiều đại biểu cũng cho rằng sau một thời gian Nghị định 89 cũng đang lộ ra nhiều bất cập cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Phùng Huy Cẩn- Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VHTTDL), với quy định “Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp tính đến thời điểm xét tặng hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cơ sở”. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, cơ bản được đào tạo tại các trường VHNT chuyên nghiệp nhưng cũng có không ít nghệ sĩ được đào tạo mang tính truyền nghề. Sau đó các nghệ sĩ được truyền nghề được tuyển và tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Hiện nay các nghệ sĩ đó phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật truyền thống ở nhiều địa phương. Do vậy, Hội đồng các cấp thống nhất tính thời gian tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ được xét cụ thể từng hồ sơ trên cơ sở thông tin cá nhân có xác nhận của Sở VHTTDL hoặc Sở VHTT nơi cá nhân được xét hồ sơ. Cũng theo ông Phùng Huy Cẩn, với quy định “Hội đồng tổ chức phiên họp phải có ít nhất 75% thành viên Hội đồng. Những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu”. Một số ý kiến cho rằng cần quy định phải có 90% thành viên Hội đồng dự họp mới được tổ chức họp và nên bỏ quy định những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu. Như vậy sẽ tăng thêm tính trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong việc tham dự cuộc họp. Các thành viên có mặt tại cuộc họp sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến nhận xét đánh giá, thảo luận về từng trường hợp. Như vậy việc bỏ phiếu sẽ chính xác và khách quan hơn...

Buồn vui danh hiệu - 1

Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX - 2019. ảnh: Quang Vinh.

Câu chuyện Huy chương

Cũng trong khuôn khổ chương trình, với sự tham gia của đại diện là lãnh đạo các Hội nghệ thuật chuyên ngành rất nhiều thắc mắc, băn khoăn và cả những tâm tư đã được đưa ra. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ lão thành nhận định việc tạo “hành lang” thông thoáng, quy đổi Huy chương trong việc xét tặng đang làm giảm giá trị của danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hiện nay có một vấn đề về giải thưởng, huy chương. Việc tính quy đổi Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hiện nay là máy móc. Ai cũng biết, cũng trân trọng nhưng chúng ta lấy huy chương ra để xét tặng đã dẫn tới việc ra đời hàng loạt cuộc thi, liên hoan. Thậm chí nhiều nghệ sĩ tham gia chỉ với mục đích lấy bằng được huy chương. Trong khi đó, nhiều vở diễn tham gia liên hoan được giải xong rồi lại “cất kho”. Nghệ sĩ tham gia liên hoan được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc nhưng khán giả không biết họ là ai? Chính việc dựa vào Huy chương quá nhiều đã làm giảm giá trị của danh hiệu NSND, NSƯT. Do đó, việc đánh giá này chúng ta cần phải xem xét lại một cách khoa học, hiệu quả hơn. Chưa kể với các giải thưởng quốc tế đăng ký trong hồ sơ xét tặng việc thẩm định cần phải xem xét lại.

Đồng quan điểm, NSND Thanh Hoa cũng cho rằng, việc quy đổi Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hiện nay là vô lý. Đơn cử như ở lĩnh vực âm nhạc đang rất thiệt thòi. Có những nghệ sĩ âm nhạc cả một đời cống hiến nhưng không được xét danh hiệu NSND, NSƯT vì yếu tố Huy chương. Bởi ở lĩnh vực này để có được Huy chương Vàng hay Bạc nghệ sĩ biểu diễn phải có tác phẩm nổi tiếng. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ ở lĩnh vực khác dành Huy chương Vàng nhưng công chúng lại chẳng biết họ là ai... “Bản thân tôi là NSND nhưng thấy rằng danh hiệu này ngày càng xuống cấp. Mặc dù chúng ta dùng danh hiệu đó để khuyến khích tài năng trẻ nhưng có những nghệ sĩ cả đời cống hiến lại không được công nhận là quá bất cập” - NSND Thanh Hoa bày tỏ.

NSND Thanh Hoa thẳng thắn: “Tôi nghĩ là chúng ta là những người làm văn hóa khi chưa đủ tiêu chuẩn để được phong tặng NSND, NSƯT thì phải tự thấy ngại với xã hội. Chúng ta hiểu được trách nhiệm của nghệ sĩ là những chiến sĩ văn hóa. Những người nghệ sĩ đem văn hóa đến cho tất cả công đồng, để cho người ta hiểu hơn giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, với quy chế xét tặng danh hiệu thì càng ngày uy tín các cuộc liên hoan hiện này càng giảm sút. Nếu không nói hiện tượng “chạy chọt” Huy chương là khá lộ liễu. Do đó chúng ta cần xác định lại, NSND là nghệ sĩ cống hiến nhân dân hay cống hiến cho ngành. Đứng trên cương vị một nghệ sĩ biểu diễn tôi thấy rằng để lan tỏa danh hiệu NSND, NSƯT trong xã hội thì phải được khán giả, nhân dân yêu quý. Điều đó mới đáng giá và như thế chúng ta mới tự hào là NSND”.

Theo kế hoạch, sau Hội nghị diễn ra tại Hà Nội, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ khu vực phía Nam (tính từ Đà Nẵng trở vào) tại TP HCM trong tháng 11/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buồn vui danh hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO