Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Sẽ phải trả giá đắt

Thu Trang 11/05/2016 06:41

Chưa nói đến nghi vấn xả thải của Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thì thực trạng xả thải công nghiệp gây ô nhiễm vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan quản lý, là nỗi bức xúc của dư luận. Đó là thông tin được khẳng định tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”, diễn ra tại Hà Nội ngày 10/5.  

Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Sẽ phải trả giá đắt

(Ảnh: Hồng Phúc).

Đã qua rồi giai đoạn mời gọi đầu tư bằng mọi giá

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định: Trong thời gian qua, đã có không ít con sông gặp nạn ô nhiễm môi trường, và báo động là vùng biển miền Trung. Vấn đề xả thải ở miền Trung và hàng loạt cá chết như tiếng chuông báo động mạnh mẽ. Chúng ta chỉ nghiên cứu thôi có thể sẽ chưa đủ, mà cần rà soát, xốc lại quản lý để tránh những thảm hoạ môi trường xảy ra.

“Nghị định 2003 của Chính phủ có quy định về tiêu chuẩn môi trường, nhưng theo nhiều chuyên gia bình luận tiêu chuẩn môi trường vẫn được để ở mức hơi thấp. Chắc chắn vấn đề chuẩn môi trường cũng thể hiện yếu tố đánh đổi của chúng ta”- ông Võ đưa ý kiến.

Ông cũng cho rằng chúng ta phải nghiên cứu lại kỹ lưỡng về tiêu chuẩn môi trường, đưa ra tiêu chuẩn môi trường phù hợp trong giai đoạn phát triển của Việt Nam với mức đánh đổi cần thiết như thế nào?

Đồng tình về điều này, TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) chia sẻ: Tiêu chuẩn, quy chuẩn là công cụ quản lý môi trường, nhưng làm quy chuẩn phụ thuộc rất nhiều vấn đề, yêu cầu phát triển kinh tế, khả năng kinh tế của doanh nghiệp cũng như yêu cầu môi trường của cộng đồng dân cư. Làm sao để đảm bảo hài hoà các yếu tố này.

“Rõ ràng càng ngày tiêu chuẩn, yêu cầu môi trường càng phải chặt hơn, người dân ngày càng yêu cầu được sống trong môi trường trong lành. Nghĩa là đã qua giai đoạn mời gọi đầu tư bằng mọi giá… Vậy thì phải có sự rà soát qua các năm. Khi yêu cầu cao lên, năng lực kỹ thuật cao lên thì tiêu chuẩn phải thay đổi”- ông Loãn nói.

Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Sẽ phải trả giá đắt - 1

Rác thải khiến môi trường ô nhiễm. (Ảnh: Hoàng Long).

Trả giá lớn nếu tham nhũng về môi trường

GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm: Về giám sát xả thải và quan trắc môi trường, Việt Nam cũng thiếu. Vụ cá chết ở Hà Tĩnh chẳng hạn, ngay ở phát ngôn của các lãnh đạo Bộ TN&MT cũng đã có sự khác nhau. Thông tin mà Thứ trưởng đưa ra nghe từ đâu khi trong báo cáo tác động môi trường không có chuyện đường ống xả ra biển, nhưng trên thực tế lại cắm thẳng ra biển? Được giám sát hay không thì Sở TN&MT Hà Tĩnh phải nắm được nhưng tại sao lại có chuyện xảy ra khác với trong báo cáo kiểm soát và giám sát môi trường?

Ông Võ đặt ra câu hỏi, liệu có gì tham nhũng ở đây hay không? Chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và ra biển là khác nhau. Ra biển nguy hiểm hơn nhiều. Ra sông khi biết còn có biện pháp xử lý được, còn ra biển thì khi xảy ra sự cố môi trường rồi thì chịu không thể kiểm soát, khắc phục vô cùng khó khăn, tốn kém. Chứng tỏ hệ thống giám sát, thanh tra là có vấn đề gì lớn. Liệu có chuyện đã nhận tiền lót tay chủ đầu tư không, là câu hỏi chúng ta có quyền đặt ra.

Tham nhũng về môi trường, hôm nay được một đồng nhưng chúng ta sẽ phải trả giá bằng hàng chục đồng, hàng chục tỷ đồng vào những năm sau. Tham nhũng môi trường xong không thể ngoảnh mặt quay đi vì hậu quả vô cùng lớn. Không thể biết con cháu chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào… Và câu chuyện giám sát, thanh tra kiểm tra là câu chuyện mà Việt Nam còn thiếu. Trước đây họ xả cái gì chúng ta đều không hề hay, và không có gì kết nối giữa địa phương với cơ sở, việc kiểm tra thường xuyên cũng không có.

Nghĩa là Sở TN&MT Hà Tĩnh đang thiếu trách nhiệm kiểm tra. Chúng ta hãy rà soát để không có sự cố như vừa rồi xảy ra. Cần có giám sát, thanh tra, kiểm tra theo hệ thống để có mặt bằng toàn bộ. Đồng thời có sự tham gia của các tổ chức dân sự, người dân. Tôi cho rằng phải mở thêm quyền cho người dân giám sát. Tại sao Luật Bảo vệ môi trường lại không có quy định này, trong khi tai mắt của người dân là vô cùng quan trọng?

Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Sẽ phải trả giá đắt - 2

Doanh nghiệp thản nhiên xả trộm

Cùng trao đổi với ông Võ về vấn đề giám sát, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng: Theo quan sát và đánh giá của tôi, đặc biệt từ vụ cá chết ở Hà Tĩnh, việc ban hành quy định của Việt Nam rất nhiều nhưng điều kiện năng lực của cơ quan theo dõi, giám sát quản lý còn chưa thực hiện tốt. Ý thức bảo vệ môi trường chưa được như mong đợi.

Doanh nghiệp chưa có ý thức bảo vệ môi trường tốt. Nếu họ tốt thì chưa cần đưa những công cụ vào đã có ý thức về môi trường rất cao. Công tác vận hành xả thải của doanh nghiệp đương nhiên là đầu tư tốn kém nên nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ. Có nhiều nhà máy đi kiểm tra thì vận hành tốt, ban ngày vận hành còn tối đi xả trộm. Cái này vẫn thường xuyên xảy ra.

“Vậy tại sao không có hệ thống kiểm soát trung gian để tất cả có thể phát hiện mức thải ra như thế nào, ví dụ như mùi, độ màu… để người dân kiểm soát được. Cho nên đưa ra việc kiểm soát online, làm sao kiểm tra được tới 30 chỉ tiêu? Cái này cần phải xem xét kỹ lại. Vì có những chỉ tiêu phải phân tích trong phòng thí nghiệm mất mấy ngày. Online, một nhà máy có thể được nhưng nhiều nhà máy thì nguồn lực ở đâu. Không phải công ty nào cũng có thể thực hiện được để trang bị quan trắc online”- ông Sinh đánh giá.

Còn theo TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ môi trường cho rằng: Trong 20 năm nay đô thị hoá, công nghiệp hóa phát triển cực mạnh, có nhiều vấn đề chúng ta chưa theo kịp thực tiễn như phát triển các khu công nghiệp. Tính tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn Việt Nam của các doanh nghiệp còn hạn chế. Tất nhiên, chủ dự án bao giờ chẳng bám sát lợi nhuận là chính. Vì thế đã đến lúc các doanh nghiệp muốn phát triển phải đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, đảm bảo lợi nhuận kinh tế hài hoà môi trường.

“Trên các phương tiện truyền thông nói rất nhiều, chúng ta không vì kinh tế mà bỏ môi trường, phải phát triển hài hòa. Nhưng thực tế vụ cá chết vừa rồi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân do chúng ta “tham” vì kinh tế quá. Có khía cạnh, nóng vội về lợi nhuận kinh tế quá nên giờ có thể nói là mắc bẫy. Chúng ta làm chưa đi đôi với nói”- ông Nhuệ nói.

Cần có luật kiểm soát ô nhiễm nước

Đưa ý kiến tại tọa đàm, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Cộng đồng chia sẻ: Ô nhiễm ảnh hưởng hệ sinh thái là ô nhiễm mang tính rất trầm trọng. Ô nhiễm mà mang tính dị tật còn trầm trọng hơn nữa. Hiện nay, chúng ta thấy tỉnh nào sông cũng ô nhiễm, không cần nói điều gì cao siêu về khoa học cũng thấy sức chịu tải đã hết rồi. Không chỉ là câu chuyện cá chết mà toàn bộ nền kinh tế ăn theo con cá bị ngưng trệ, ngành nông nghiệp, du lịch cũng… chết. Chúng ta thực sự cần phải có một bộ luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước, phải hình sự hóa chứ không phải chỉ có xử phạt. Chất lượng của các bộ luật chắc chắn đã có vấn đề, có thể chặt mà thực thi không tốt hoặc tốt nhưng người ta chưa thực thi được. Đã đến lúc cần thức tỉnh, và về mặt lâu dài cần có cải cách toàn diện để bảo vệ môi trường, thậm chí cần làm lại luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Sẽ phải trả giá đắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO