Cá ngừ chật vật vượt đại dương

Minh Phương 22/08/2015 07:35

Được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của quốc gia, nhưng thời gian qua, “số phận” con cá ngừ đại dương vẫn lênh đênh, giá lúc lên lúc xuống, khiến nhiều ngư dân phải ôm nợ.

Cá ngừ đại dương tại cảng cá Phú Yên.

Khó vươn xa vì chất lượng thấp

Số liệu thống kê cho biết, hiện cả nước có khoảng 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Nam Trung Bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Trong nhiều năm trở lại đây, việc khai thác và đánh bắt cá ngừ đại dương đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 16.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng nhanh từ 188 triệu USD năm 2008 lên hơn 484 triệu USD vào năm 2014. Con cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, EU… Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một thị trường được coi là giàu tiềm năng nhất là Nhật Bản thì lượng cá ngừ của ta xuất khẩu vào nước này vẫn rất khiêm tốn.

Để thúc đẩy khả năng xuất khẩu cá ngừ đại dương vào thị trường Nhật Bản, hồi năm 2014, Việt Nam đã tiếp nhận công nghệ khai thác cá ngừ từ đất nước Mặt Trời Mọc với mong muốn, bằng công nghệ khai thác mới, chất lượng cá ngừ xuất khẩu được nâng cao, đáp ứng đủ mọi yêu cầu của đối tác.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, nếu đảm bảo được những yêu cầu về chất lượng, Nhật Bản sẽ là thị trường tiêu thụ lớn sản lượng cá ngừ của Việt Nam. Bởi đây là thị trường nổi tiếng với các món làm từ cá ngừ tươi sống như sashimi, sushi và nhiều món ăn khác chế biến từ loại cá này. Bên cạnh đó, nếu sản phẩm cá ngừ đánh bắt được đạt chuẩn chất lượng, giá bán trên thị trường Nhật Bản sẽ cao gấp 5 lần giá bán trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, ngay sau khi tiếp nhận công nghệ khai thác cá ngừ đại dương từ Nhật Bản, tháng 8/2014, mẻ cá ngừ đầu tiên áp dụng công nghệ mới này được ngư dân tỉnh Bình Định đánh bắt đã không đạt được kỳ vọng, khi mẻ đánh bắt đó chỉ có 9 con cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Thời điểm đó, tính toán của ngư dân và DN cho hay, dù đã áp dụng phương thức khai thác mới nhưng chuyến hàng đó đã không đạt được chất lượng như yêu cầu của phía đối tác, thành ra cả ngư dân và DN đều bị lỗ, coi như chuyến đầu không thành công.

Chuyến xuất khẩu cá ngừ tiếp theo cũng bị thất bại. Và như vậy, kể từ thời điểm Nhật Bản chuyển giao công nghệ khai thác và bảo quản cá ngừ cho Việt Nam, DN Việt cũng đã có một số lần xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản, song hầu như đều không đạt được chất lượng như yêu cầu của nước bạn. Cá ngừ Việt Nam vẫn bị xếp vào “hạng trung bình”.

Kỳ vọng mới

Nguồn cơn của vấn đề ở chỗ, nghề khai thác cá ngừ tại Việt Nam đã có từ rất lâu đời, và chủ yếu khai thác và bảo quản theo phương pháp truyền thống. Theo giới chuyên gia, với phương pháp đánh bắt, bảo quản kiểu cũ, chỉ có thể hợp với một số thị trường dễ tính, còn với thị trường khó tính như Nhật Bản, yêu cầu chất lượng cao hơn, cá của ta dù chỉ có một vết xước nhỏ là không đạt yêu cầu… Bởi vậy, phương pháp cũ sẽ khó có thể đáp ứng được.

Dù Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ cho chúng ta, song từ lý thuyết đến thực tiễn, vẫn còn cả một khoảng cách khá lớn. Theo phản ảnh của nhiều ngư dân, khai thác cá theo phương pháp của Nhật Bản mất thời gian hơn phương pháp truyền thống. Nếu như câu cá theo phương pháp truyền thống, chỉ mất 3-5 phút là có một sản phẩm, thì áp dụng theo phương pháp Nhật Bản, phải mất hơn 10 phút. Có lẽ chính bởi tư duy “lâu – nhanh”, nhiều ngư dân đã không vận dụng phương pháp câu mới, từ đó dẫn đến chất lượng cá không được đảm bảo.

Nhiều chuyên gia đánh giá, cá ngừ là sản phẩm giàu tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, song nếu vẫn khai thác theo lối truyền thống, không đầu tư cải tiến công nghệ và thay đổi tư duy đánh bắt, chỉ tính đến trước mắt mà không tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài, thì chúng ta sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn tài nguyên này, bởi chẳng có tài nguyên nào là vô tận.

Được biết, một công ty của Nhật Bản- Công ty Hokugan- mới đây có đề xuất xây dựng nhà máy cá ngừ đại dương và các loại thủy sản khác tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Công ty Hokugan bày tỏ mong muốn, sản phẩm sau chế biến sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Á. Đồng thời, Công ty này cũng mong muốn đầu tư một nhà máy sản xuất nước đá chất lượng cao đáp ứng nhu cầu bảo quản cá ngừ và các loại thủy sản đạt chất lượng tốt hơn.

Sau chuyến công tác tại Philippines mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, dự kiến sẽ hợp tác với Phillippines về vấn đề khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương. Theo Thứ trưởng Tám, tháng 9 tới đây, Bộ sẽ tổ chức đoàn sang General Santos và một số thành phố chuyên nghề cá ngừ khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Những động thái trên thực sự là những tín hiệu đáng mừng, thắp lên hy vọng đổi đời cho ngư dân các vùng biển Việt Nam, đồng thời mở ra những kỳ vọng mới cho phát triển ngành cá ngừ bền vững trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cá ngừ chật vật vượt đại dương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO