Cá nhân được kêu gọi từ thiện nhưng phải công khai kết quả trên truyền thông

Nguyễn Hoài 07/11/2021 14:06

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc minh bạch trong huy động đóng góp từ thiện của cá nhân, trong đó có nhiều nghệ sĩ. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ ra đời được kỳ vọng khắc phục những bất cập tồn tại trong công tác này.

Ông Vũ Đức Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm mới của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ban hành ngày 27/10/2021.

Cá nhân được quyền kêu gọi từ thiện

PV: Ông hãy cho biết sự cần thiết và mục tiêu khi ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua?

Ông Vũ Đức Hội: Tình hình thiên tai, dịch bệnh tại Việt Nam những năm gần đây có diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, việc huy động nguồn đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để khắc phục thiệt hại, giảm bớt khó khăn do thiên tai, sự cố đóng một vai trò quan trọng và có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ khó khăn của Nhân dân ta.

Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP; qua đó, các tổ chức, đơn vị đã kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện góp phần hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, góp phần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập.

Từ tình hình trên, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là cần thiết.

Ông Vũ Đức Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính).

Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Nghị định số 93/2021/NĐ-CP là quy định thống nhất việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó quy định cụ thể các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối.

Đồng thời, đảm bảo công tác vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời; khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Quy định việc vận động, tiếp nhận và phân phối đảm bảo công khai, minh bạch.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP có sự thay đổi như thế nào so với Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ, thưa ông?

- Nghị định 93/2021/NĐ-CP đã mở rộng về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng so với Nghị định 64/2008/NĐ-CP nhằm vận động tối đa nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Về phạm vi điều chỉnh: Ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, Nghị định 93/2021/NĐ-CP bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện; bao gồm các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh động vật quy định tại Luật thú y, dịch hại thực vật quy định tại Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Về đối tượng áp dụng: Bên cạnh các nhóm đối tượng được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh sự cố đã được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ từ thiện; Nghị định 93/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (trong tình huống khẩn cấp về thiên tai cần kêu gọi đóng góp tự nguyện từ quốc tế); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.

Làm rõ các khoản chi

Trong thời gian qua, việc minh bạch trong huy động đóng góp từ thiện của cá nhân được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy Nghị định 93/2021/NĐ-CP đã quy định như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch?

- Đây là điểm mới trong quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định đã quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này.

Chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền từ thiện chính thức từ ngày 11/12 tới đây.

Thứ hai, cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp; bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Thứ ba, cá nhân vận động quyên góp thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Chậm nhất 3 ngày làm việc, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn các nội dung trên; cử lực lượng tham gia phân phối cùng người vận động khi cần thiết hoặc theo đề nghị của người đó.

Nếu số tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì người đứng ra vận động thống nhất với những người đóng góp để có phương án sử dụng; hoặc chuyển cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Thứ tư, cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp... Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động được nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Thứ năm, để đảm bảo tính công khai, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, phân phối để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, người vận động cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình này, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong; công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày.

Các nội dung công khai gồm: văn bản vận động cứu trợ; kết quả tiếp nhận (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận); kết quả phân phối... Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, người vận động cứu trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Thưa ông, để đảm bảo nguồn đóng góp tự nguyện được sử dụng kịp thời, hiệu quả, Nghị định 93/2021/NĐ-CP đã quy định như thế nào về thời gian vận động, tiếp nhận, phân phối?

- Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về thời gian vận động, tiếp nhận, phân phối như sau:

Cuộc vận động được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra. Thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Bên cạnh đó, thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện truyền thông về thời gian vận động, tiếp nhận và thời gian cam kết phân phối. Đối với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân thực hiện theo đúng cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cá nhân được kêu gọi từ thiện nhưng phải công khai kết quả trên truyền thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO