Ca sĩ hát sai, quên lời: Khán giả cần sự tôn trọng!

Minh Quân 06/09/2022 09:12

Việc ca sĩ hát sai lời, thậm chí là quên lời không phải là chuyện “hiếm gặp” trong một thị trường âm nhạc phát triển sôi động như hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những “tai nạn” ngoài ý muốn, có rất nhiều trường hợp do năng lực yếu kém của ca sĩ, thậm chí đến từ nhà tổ chức.

Ca sĩ Khánh Thy liên tục nhìn vào tay để đọc lời khi hát ca khúc “Mười chín tháng Tám”. (ảnh chụp màn hình)

Vô tình hay do năng lực?

Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường âm nhạc Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều các ca sĩ trẻ, với nhiều tác phẩm âm nhạc thu hút công chúng.

Cần phải khẳng định, các ca sĩ trẻ hiện nay không chỉ có tài mà còn có cả sắc, thậm chí nhiều gương mặt đã trở thành thần tượng và có sức ảnh hưởng lớn tới một bộ phận khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển khá nhanh và mạnh của thị trường âm nhạc cũng bộc lộ những mặt trái. Ngoài những scandal về đời tư, phát ngôn gây sốc… thì một lỗi mà nhiều ca sĩ gặp phải đó là hát sai lời, thậm chí quên lời. Nguyên nhân là người hát, người trình diễn đôi khi hiểu sai, không hiểu hoặc hiểu đại khái nên mới có tình trạng hát sai, thay lời đổi chữ vô tội vạ.

Mới đây, khi thể hiện ca khúc “Mười chín tháng Tám” (của nhạc sĩ Xuân Oanh) trong chương trình nghệ “Sao tháng Tám” ca sĩ Khánh Thy đã tạo nên một “làn sóng” bức xúc đến từ khán giả. Được giao thể hiện một ca khúc cách mạng và đang truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, song Khánh Thy không chỉ hát chênh phô mà nhiều đoạn còn bị hụt hơi, không rõ lời và không làm chủ được tiết tấu. Đặc biệt có cảnh máy quay bắt cận hình ảnh nữ ca sĩ cúi xuống nhìn bàn tay chép sẵn lời bài hát. Dù vậy, nữ ca sĩ này vẫn bị mắc lỗi khi hát sai lời.

Ca sĩ quên lời không phải là chuyện hiếm trong làng âm nhạc Việt Nam.

Trước đó, ca sĩ Mỹ Tâm - một trong những “tên tuổi” của âm nhạc Việt Nam cũng từng rơi vào tình cảnh này. Những sự cố mà Mỹ Tâm từng gặp phải như quên lời ca khúc “Trắng đen”, “Sự thật ta yêu nhau”. Đặc biệt, trong một đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Mỹ Tâm đã hát sai lời đến 2/3 ca khúc “Hạ trắng”. Ngoài ra, các ca sĩ trẻ như Thu Minh, Uyên Linh, Quang Dũng, Noo Phước Thịnh, Hà Anh Tuấn, Hòa Minzy, Trung Quân Idol... cũng đã từng bị khán giả bóc mẽ vì hát sai lời hoặc “chế” thêm lời cho ca khúc.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Trung, đã có đến 99% bài hát của ông bị các ca sĩ hát sai lời. Trong đó, các bài hát phổ biến như “Đường xưa”, “Hoang vắng”, “Chuyện hợp tan”… đều ít nhiều bị sai lời so với bản gốc. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do, trước khi tham gia chương trình biểu diễn, nhiều ca sĩ không tập rượt, không khớp nhạc, bên cạnh đó không ít ca sĩ đầu tư chủ yếu cho quần áo và nhan sắc mà ít chú trọng đến chuyên môn. Đó là lý do khiến cho tình trạng ca sĩ hát sai lời vẫn xảy ra thường xuyên.

Ca sĩ Thu Minh từng gây chú ý khi phải viết lời ca khúc vào tay vì sợ quên lời.

Không tôn trọng khán giả!

Với sự phát triển của của mạng xã hội, việc ca sĩ hát sai lời, quên lời đang trở thành những đề tài nóng, gây chú ý trong dư luận xã hội hiện nay. Và sự quan tâm của khán giả bỗng chốc khiến cho câu chuyện này càng trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết. Với công chúng dễ tính thì cho qua những sự cố kiểu này, tuy nhiên, cũng có ý kiến khắt khe hơn khi cho rằng lỗi này đang gây ra hệ lụy, làm người nghe hiểu sai ý nghĩa của bài hát. Đặc biệt giới sáng tác bày tỏ, mỗi ca từ nhạc sĩ viết ra đều mang ý nghĩa riêng nên chữ hay nhất, “đắt” nhất, được nhạc sĩ tâm đắc “thổi hồn” vào bài hát. Bởi vậy, việc hát sai hoặc thay lời bài hát dù chỉ một từ cũng làm mất đi ý nghĩa mà người sáng tác gửi gắm vào trong đó, dẫn đến hỏng cả ca khúc. Trước thực trạng này, có quan điểm cho rằng cần phải xử phạt với những lỗi này, nhất là trong những chương trình được truyền hình mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa...

Trao đổi vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trước hết thuộc về chính tác giả. Theo ông Chung, tác giả nên chủ động liên hệ, đề nghị ca sĩ gửi bản thu cho mình hoặc nhạc sĩ gửi lời gốc cho ca sĩ. Việc trao đổi như vậy đôi khi chỉ vài phút là xong, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa cho show diễn cũng như làm hài lòng khán giả.

Nêu quan điểm của mình, nhạc sĩ Lân Cường - Trưởng ban Kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, riêng với những chương trình lên sóng trực tiếp phải được tổng duyệt chặt chẽ. Trong trường hợp ca sĩ không thuộc lời, một là phải đổi bài, hai là đổi người thể hiện. “Ca sĩ quên lời là không tôn trọng khán giả” - ông Cường nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam:

Hát nhép sẽ bị đình chỉ

Để xảy ra tình trạng ca sĩ hát sai lời, quên lời có hai trường hợp là do tâm lý người nghệ sĩ hoặc do sự yếu kém về trình độ. Cũng có thể xuất phát do sự cẩu thả, không có sự tập luyện, chuẩn bị từ trước... Ở đây chính là sự coi thường khán giả.

Việc ca sĩ chép lời vào tay nhìn để hát, nhạc đánh một đằng hát một nẻo thể hiện không có trình độ và không có thái độ tập luyện tử tế. Để ngăn chặn việc này, những người làm công tác kiểm duyệt phải có biện pháp chặn từ xa để không xảy ra tình trạng nói trên. Các chương trình biểu diễn buộc phải hát thật, trường hợp nào bị phát hiện hát nhép sẽ đình chỉ, khi đó buộc người nghệ sĩ phải lao động. Phải đặt người dân là những người hưởng thụ sản phẩm. Nghệ sĩ phải có thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Nhạc sĩ An Hiếu:

Kiểm duyệt kỹ trước khi lên sân khấu

Về sự việc của ca sĩ Khánh Thy vừa qua có hai góc độ mà chúng ta quan tâm. Đầu tiên đó là quản lý nói chung như biên tập âm nhạc, đạo diễn âm nhạc... Theo đó, việc chọn nghệ sĩ phải chuẩn để có thể lột tả hết tác phẩm, quán xuyến được chất lượng chuyên môn, điều này đã thể hiện rõ lúc luyện tập. Cùng với đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Nên nhớ là, không phải sản phẩm nào cũng có thể sáng tạo được. Ở trường hợp vừa qua là thể hiện sự non nớt về góc độ nghề, không có sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc. Hiện nay, có một bất cập là, các nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn thường là thu thanh trước. Vì thế khi hát trực tiếp mới lộ ra vấn đề này. Đối với những ca sĩ không được đào tạo bài bản thì khi gặp những bài hát chính thống sẽ vấp phải nhiều vấn đề từ việc làm chủ bài hát. Để có thể xử lý triệt để tình trạng này rất là khó. Bởi vậy, quan trọng nhất vẫn là vai trò của người sản xuất chương trình trong khâu chuẩn bị, không để sai sót dù nhỏ nhất trước khi phát sóng, đặc biệt là những chương trình truyền hình trực tiếp vì đã vấp là không thể làm lại.

Phạm Sỹ(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca sĩ hát sai, quên lời: Khán giả cần sự tôn trọng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO