Cảnh báo bệnh lao

Thu Hương 20/04/2018 13:56

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu với gần 130.000 ca mắc lao mới hàng năm, gây ra tử vong cho khoảng 16.000 người.  Điều đáng lo ngại là  bệnh lao ở trẻ em lại diễn ra một cách thầm lặng khiến nhiều phụ huynh chủ quan.

Cảnh báo bệnh lao

Chăm sóc bệnh nhân lao.

Nỗi lo lao đa kháng thuốc

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 123.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên mới chỉ phát hiện được khoảng 81%. Đáng lo hơn, những năm qua, tại các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc lao bị kháng đa thuốc. Theo bác sĩ Phạm Hữu Thường – Giám đốc Bệnh viện phổi Hà Nội, tình trạng lao đa kháng thuốc chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân, và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh.

Ngoài ra còn có một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng gì thì cho rằng đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ điều trị mà không biết rằng vi trùng lao sống rất dai, sau khi bệnh nhân ngừng điều trị thuốc, vi khuẩn lao sẽ sống dậy, đột biến và tìm cách chống lại thuốc lao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngay từ đầu do lây nhiễm lao từ một người đã bị lao kháng thuốc.

Theo các bác sĩ, những người nhiễm vi khuẩn lao đa kháng thuốc sẽ phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc, điều trị lâu dài, tốn kém nên tỷ lệ bỏ điều trị và tử vong cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả: mỗi năm nước ta có khoảng 16.000 người chết vì bệnh lao.

Một điều đáng lo ngại nữa là số trẻ em mắc lao bắt đầu tăng nhanh, nhưng lại không được điều trị kịp thời do chính sự chủ quan của các bậc phụ huynh. Bệnh lao ở trẻ em thường gặp các thể như lao sơ nhiễm, lao màng não, lao kê, lao phổi và lao màng phổi. Mặc dù hiện nay đa số trẻ đều được chích ngừa vaccine phòng lao BCG từ khi chào đời, nhưng theo các bác sĩ, văcxin chỉ có thể ngăn ngừa được các thể lao cấp tính. Do đó, trẻ có nguy cơ sẽ bị nhiễm lao nếu tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây mà không có sự phòng ngừa.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Đường, Trưởng khoa Nhi - BV Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), mỗi năm Khoa Nhi điều trị cho khoảng 550 - 620 trẻ mắc lao, trong đó phổ biến nhất vẫn là lao phổi, chiếm 60% tổng số ca mắc. Trẻ mắc lao thường có nguồn lây nhiễm từ người thân đã bị mắc lao. Bên cạnh lao phổi khá phổ biến thì những năm gần đây, bệnh lao ở trẻ em thường gặp ở thể cấp tính là lao màng não và lao kê.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Đường, lao màng não nếu phát hiện và điều trị muộn, di chứng sẽ rất nặng nề như thiểu năng trí tuệ, rối loạn tính tình, vô kinh, đái tháo nhạt, liệt nửa người, liệt tứ chi, động kinh, mù mắt, thiểu năng trí tuệ, thậm chí có thể tử vong.

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, với 100.000 người mắc lao được phát hiện, điều trị mỗi năm, trong đó 90% trường hợp mắc mới được chữa khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Hỗ trợ bệnh nhân lao mua thẻ bảo hiểm y tế

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết số người mắc bệnh lao đang giảm khoảng 5-6% mỗi năm. Trong 2 năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Một con số đáng để mừng. Tuy nhiên, hiện vẫn có đến 64% người mắc lao nhậy cảm với thuốc và 98% số người mắc lao kháng thuốc tại Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn vì mất đi trên 20% tổng thu nhập của gia đình trong 1 năm để điều trị bệnh.

Để giải quyết vấn đề này, theo Phó giáo sư Nhung, mua bảo hiểm y tế là giải pháp tốt nhất giúp người bệnh giảm gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả theo luật Bảo hiểm y tế, dù là 5% cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

Xuất phát từ khó khăn đó, Chương trình chống lao Quốc gia thành lập “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”, nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo. Mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao. Theo đó, Quỹ sẽ hỗ trợ khoảng 20.000 bệnh nhân lao tham gia bảo hiểm y tế, cũng như đồng chi trả 5% cho những bệnh nhân lao nghèo và các chi phí chưa được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Ngoài ra, Việt Nam đã áp dụng phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn 9 tháng...Bởi vậy, nếu thấy cơ thể mình hoặc người thân có các triệu chứng trên thì phải cần đi khám sớm để có cơ hội điều trị dứt điểm, tránh lây lan ra cộng đồng.

Theo các bác sĩ, trong các biểu hiện của bệnh lao, cần đặc biệt lưu ý: Nếu bệnh nhân ho trên 3 tuần mà nguyên nhân không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ ngay đến do lao phổi. Cùng với ho là khạc ra đờm. Ho ra máu cũng là một trong những triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Ho ra máu thường xuất hiện vào đêm gần sáng và vào buổi sáng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo bệnh lao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO