Gần rồi, làng phong...

Trần Duy Hưng 07/04/2019 09:00

Nếu chỉ ngang qua, thấy làng Văn Môn (Vũ Vân, Vũ Thư, Thái Bình) cũng giống như nhiều xóm làng, xứ đạo khác nằm ven hai bờ con sông Hồng: yên bình với ruộng lúa, nương dâu, với tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ ngân nga, lan tỏa.

Đường làng ngõ xóm được bê-tông hóa, vắt qua đê quốc gia, nối với huyện lộ, tỉnh lộ. Nhưng có dừng lại mới hay đây là cộng đồng của những con người có số phận không bình thường. Họ là nạn nhân của bệnh phong...

Gần rồi, làng phong...

Niềm vui của người làng là thường xuyên được đón nhận sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng.

Làng phong gần 120 tuổi

Lần giở lại lịch sử, hỏi han những người hiểu biết mới hay làng phong Văn Môn được hình thành từ một việc làm vừa khoa học vừa nhân văn của một chức sắc đạo Công giáo: Giám mục Pedro Muna Gomi (còn được biết đến với tên gọi Đức Giám mục Trung). Trong bối cảnh khốn khó của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19, người bị mắc bệnh phong khá nhiều, bị xã hội hắt hủi, bỏ rơi, không nhà cửa, sống vạ vật, lang thang khắp thành thị lẫn thôn quê.

Khi đó, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn một trong “tứ chứng nan y” lây lan, trên hết là sự thương cảm đối với những con người có số phận thiếu may mắn này, Giám mục Pedro Muna Gomi đã có ý tưởng và xúc tiến các bước chuẩn bị để thành lập một khu tập trung, cách ly những người bệnh nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc, điều trị.

Và, dải đất Văn Môn nằm hoang hóa, heo hút ven con sông Hồng, xa nhà cửa, vắng người qua lại ngày ấy (ngày nay thuộc địa bàn xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được lựa chọn làm địa điểm. Đến năm 1900 thì Trại Dưỡng tế Văn Môn chính thức được thành lập theo quyết định của Hội Thừa sai Paris (Pháp).

Không rõ những ai là bệnh nhân đầu tiên được đưa về Trại Dưỡng tế này. Cũng không biết những nhân viên y tế nào là những người đầu tiên tình nguyện về đây để làm một công việc cần rất nhiều đến sự nhẫn nại, tình yêu thương là chăm sóc, điều trị cho những người mắc căn bệnh dân gian thường phũ phàng gọi là “bệnh hủi”.

Chỉ biết, từ năm 1900 đến nay, qua gần 120 năm, qua nhiều biến cố lịch sử, cái tên Văn Môn đã và vẫn đang là địa chỉ, mái nhà chung của nhiều thế hệ những người không may mắc phải căn bệnh này.

Cũng chỉ biết, từ một cái Trại Dưỡng tế, trải qua những dằng dặc của tháng năm, nơi đây dần hình thành làng của những bệnh nhân phong. Trại Dưỡng tế xưa sau này trở thành Bệnh viện phong Văn Môn. Mới đây, sau khi thực hiện việc sáp nhập, cơ sở này được biết đến với cái tên mới là Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở II), thuộc Sở Y tế tỉnh...

Gần rồi, làng phong... - 1

Những mảnh đời không còn bị khuất lấp

Mấy năm qua, thỉnh thoảng người viết bài này lại có dịp trở lại làng phong nằm ven sông Hồng, mỗi lần một thấy làng có thêm sự đổi khác. Khác nhất là đường về làng giờ không còn khó khăn, trắc trở như trước. Từ TP.Thái Bình, xe ô tô chỉ chạy mấy chục phút đã tới làng. Cảm giác về một làng phong xa xôi, heo hút do vậy không còn. Trên diện tích 53 ha đất ven sông Hồng, làng được quy hoạch, xây dựng khá quy củ. Bệnh viện Da liễu Thái Bình (cơ sở 2, trước đây là Bệnh viện phong Văn Môn) gồm có khu điều hành, khu trung tâm kỹ thuật, khu bệnh nhân phong nội trú và khu làng phong (nơi sinh sống của những bệnh nhân đã được trở về cộng đồng, có gia đình).

Trong câu chuyện, bác sĩ Bùi Trung Dũng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình cho biết ở thời điểm hiện tại 108 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đang chăm sóc, điều trị cho tổng cộng 136 bệnh nhân, trong đó có 45 bệnh nhân cao tuổi, đã sống, lưu trú ở làng phong 50-60 năm. Tùy mức độ bệnh tật, 136 bệnh nhân này đang được hưởng trợ cấp của nhà nước, với các mức 1.080 nghìn, 810 nghìn và 210 nghìn đồng/tháng.

Ông cũng “đính chính” rằng thực tế thì ở đây không còn bệnh nhân phong, vì từ lâu bệnh này đã được “thanh toán ở Thái Bình. Họ là người tàn tật do bệnh phong thôi”.

Riêng khu làng phong, theo ông Bùi Trung Dũng, dù chưa thật khá giả vì 154 hộ trong làng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng làng cũng đang hòa nhập cùng sự phát triển, đi lên của địa phương. Làng có chi bộ Đảng và đầy đủ các chi hội đoàn thể. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, vừa qua, từ chính sách hỗ trợ xi-măng của tỉnh Thái Bình, các hộ dân trong làng đã thực hiện hiến, góp đất, đóng góp ngày công để mở rộng, bê-tông hóa đường làng. Ngay tại làng cũng đã có trường mầm non. Đời sống tâm linh của người làng cũng thỏa nguyện khi ngoài nhà thờ giáo xứ Đông Thọ còn có chùa Văn Môn. Tuy nhiên, lâu nay làng vẫn do Bệnh viện bảo trợ.

“Chúng tôi đang trong quá trình bàn giao cho chính quyền địa phương nhưng vẫn đang vướng mắc một số vấn đề về thủ tục”, Bác sĩ Dũng cho hay.

Gần rồi, làng phong... - 2

Với 136 bệnh nhân đang được hưởng các chế độ điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện còn có thêm niềm vui lớn hơn là thường xuyên được đón các tổ chức, cá nhân về đây thăm hỏi, tặng quà cùng nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Mới đây, theo chân một đoàn thiện nguyện về Bệnh viện, tôi bất ngờ khi được gặp lại ông Đoàn Văn Thuân, một trong 45 bệnh nhân cao tuổi đang được điều trị, chăm sóc tại khu nội trú, thấy ông vẫn còn khỏe mạnh. Ngoài 90 tuổi, tính đến nay ông Thuân đã có đến hơn 60 năm làm công dân của làng.

Qua lời ông, tôi được biết ông quê ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định). Như nhiều người cùng trang lứa, mới hơn 10 tuổi cậu bé Thuân đã được bố mẹ mai mối cưới vợ. Nhưng chưa kịp về ở với nhau thì nhà gái phát hiện con rể tương lai mắc bệnh phong. Với lý do “thà ở góa còn hơn làm vợ anh hủi” nhà gái “dứt tình”, một mực từ hôn. Chạy chữa nhiều năm không khỏi, bệnh tình ngày một nặng thêm, tủi phận, năm 1954 ông Thuân khăn gói sang sống, điều trị cách ly ở làng phong Văn Môn này. Rồi ở lại đây, sống cùng những người cùng cảnh ngộ… cho đến tận hôm nay.

Tôi cũng rất vui khi gặp lại hai chị em song sinh Trương Thị An và Trương Văn Khánh. Hai chị em đều khoảng ngoài 20 tuổi, lớn hơn, chững chạc hơn nhiều so với lần đầu tôi gặp cách đây mấy năm. Lần đầu nhìn thấy An và Khánh, tôi “hơi hoảng”. Thay bằng vẻ hồng hào, trắng trẻo thường thấy ở những cô cậu bé, cả An và Khánh đều mang một thân hình dị dạng. Da dẻ từ đầu đến chân của hai em đều đen nhẻm, sần sùi, bong tróc, vằn vện. Đầu loang lổ những vệt xám “cứt trâu”; lơ phơ, xơ xác mấy lọn tóc; mắt đỏ ngầu như được hóa trang, bôi vẽ. Riêng em Khánh không còn mắt trái.

Theo các cán bộ của Bệnh viện, An và Khánh bị bệnh vảy nến bẩm sinh, thể hiếm. Cách nay hơn 10 năm, hai chị em được các sơ ở nhà thờ Đông Thọ (thuộc giáo xứ Thái Sa, xã Vũ Vân, Vũ Thư) đón về từ Thái Nguyên; được Bệnh viện phong Văn Môn tiếp nhận.

Nghe nói, trước khi được đón về, hai chị em sống bơ vơ, không cha không mẹ trong một căn nhà rách nát ở sườn đồi. Kể từ khi được đón nhận về làng, như mọi bệnh nhân khác, cuộc sống của hai chị em như được “sang trang”, vừa được lo chỗ ăn, chỗ ở, được các sơ chăm sóc, được các cán bộ y tế của Bệnh viện điều trị bệnh tật.

Cho đến nay, y học chưa thể giúp, “trả lại” cho các em vẻ ngoài bình thường nhưng các y bác sĩ, các bà sơ cùng nhiều tấm lòng thiện nguyện từ khắp nơi đã và đang giúp các em có được cuộc sống yên bình ở giữa cộng đồng những người cùng cảnh ngộ...

Gần rồi, làng phong... - 3

Không chỉ giúp đỡ về vật chất, các đoàn thiện nguyện còn thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp đời sống tinh thần của các bệnh nhân thêm vui. Một lần, tham dự “ngày tết sớm ở làng phong” chúng tôi cảm nhận món quà giá trị nhất các bệnh nhân nhận được không chỉ là bữa cơm, gói mỳ, đôi tất, chiếc mũ, ít tiền “lì xì” mà chính là sự gần gũi.

Di chứng của bệnh phong khiến họ trở nên dị dạng, người cụt chân, người cụt tay, rụt rè, mặc cảm. Nhưng hôm ấy, tất cả, từ các bệnh nhân cao tuổi đến các em nhỏ đều quên đi bệnh tật, quên đi nỗi mặc cảm, cùng hào hứng tham gia trò chơi “trồng nụ, trồng hoa”. Mỗi khi cô MC (dẫn chương trình) hô “Nụ hoa” mọi người cùng chụm tay lại; “Hoa nở” thì xòe tay ra. Rồi lại gập tay xuống khi tiếng hô “Hoa tàn” vang lên. Ai đó làm sai, cả già lẫn trẻ cùng cười như nắc nẻ. Họ cũng như tìm lại được niềm vui sống khi được nghe một vị Đại đức trò chuyện, tâm tình.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ lời nhắn nhủ của nhà tu hành tới các bệnh nhân: “Thân bệnh nhưng tâm không bệnh. Hãy tìm hạnh phúc trong từng hơi thở giản đơn của cuộc sống này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần rồi, làng phong...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO