Giao mùa, cảnh giác với dịch bệnh

Xuân Thủy 08/09/2018 08:00

Hiện nay, thời tiết đang có nhiều diễn biến thay đổi thất thường, khí hậu đang có sự giao mùa từ hè sang thu khiến nhiều trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, sởi, tay chân miệng,… Đặc biệt, trong môi trường học đường các bệnh này có khả năng lây nhiễm cao ở trẻ.

Không chủ quan với bệnh sởi

Ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tại Hà Nội đã ghi nhận các ca mắc sởi tại hầu hết các quận, huyện, thị xã; 90% người mắc sởi chưa tiêm vaccine và nhiều trường hợp trẻ dưới 1 tuổi mắc sởi.

Theo ông Cảm, đây đang là thời điểm năm học mới bắt đầu, nguy cơ trẻ mắc bệnh lây lan cho trẻ khác rất lớn nên các bậc phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe của con em mình, nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ cần cho trẻ nghỉ học đi kiểm tra sức khỏe.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Nhi (BV Bệnh nhiệt đới trung ương) tiếp nhận rải rác khoảng 40 trường hợp mắc sởi nặng. Trong số các bệnh nhân nhập viện, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh từ người sang người qua đường hô hấp. Triệu chứng điển hình nhận biết mắc sởi: bệnh nhân thường sốt cao đột ngột, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (mắt có rỉ) kèm nổi ban đặc trưng.

Ghi nhận thực tế từ số trẻ mắc sởi thời gian qua cho thấy, số ca mắc sởi năm 2018 nặng hơn những năm trước, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy.

Bệnh tay chân miệng gia tăng

Cùng với bệnh sởi, bệnh tay, chân, miệng là một dịch bệnh dễ lây lan nhanh và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc.

Trên thực tế, tay chân miệng là bệnh dễ lây. Nó có thể lây qua trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, trong thời gian đầu, trẻ vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang người khác.

Chính vì những yếu tố lây truyền phức tạp như trên mà tay chân miệng được coi là bệnh nguy hiểm. Chỉ cần một trẻ bị bệnh là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Chủ động phòng, chống bệnh

Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống các loại bệnh dễ lây lan, gay ảnh hưởng tới sức khỏe của con em mình, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý thực hiện tốt các biện pháp để phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Các bậc phụ huynh khi chăm sóc cho trẻ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ nhà cửa thông thoáng, rửa tay dưới vòi nước sạch bằng xà bông trước khi tiếp xúc với trẻ.

Để hạn chế nguy cơ trẻ lây nhiễm bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, trước khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh phải chuẩn bị cho bé cả về tâm lý và bệnh lý. Cụ thể, phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; tập cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Khi trẻ từ trường về nhà nếu có biểu hiện nhảy mũi, chảy nước mũi cần phải rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thay quần áo, rửa tay chân, tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ ấm cơ thể bằng khăn khô ngay sau khi tắm để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ cần được khử khuẩn thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao mùa, cảnh giác với dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO