Khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

N.Khánh 14/09/2018 09:42

Dù tới thời điểm này Việt Nam chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng các nước lân cận như Trung Quốc đã bị dịch xâm nhiễm mà chưa có thuốc chữa. Vì vậy, Việt Nam sẽ tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn từ các nước có dịch. Nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn không nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn dịch bệnh vào Việt Nam.

Khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tạm dừng nhập khẩu thịt lợn một số nước có dịch

Sáng 14/9, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật Thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh tả lợn Châu Phi làm tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Tại Trung Quốc, 14 ổ dịch xuất đã hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang). Tổng cộng đã có hơn 38.000 con lợn các loại đã buộc phải tiêu hủy; bệnh có chiều hướng lây lan dần về phía Nam, tiến gần đến các tỉnh biên giới với Việt Nam.

Đến nay dù Việt Nam chưa xuất hiện loại dịch bệnh này nhưng nguy cơ lây lan là rất lớn vì vậy cần chủ động phòng chống dịch một cách có hiệu quả. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam" ở các cấp; tổ chức diễn tập, thực hành ứng phó trong các tình huống; và thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống.

Đồng thời nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có bệnh. Tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam.

Về giải pháp kiểm dịch nhập khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ mời đại diện Đại sứ quán các nước (Ba Lan và Hungary) để thông báo về dừng nhập khẩu nhậu khẩu lợn, các sản phẩm lợn từ các tỉnh (vùng) có bệnh. Bộ NN&PTNT cũng đã thông báo đã dừng nhậu khẩu lợn, các sản phẩm lợn vào Việt Nam từ các tỉnh (vùng) của các nước có dịch.

Không tự ý chữa khi phát hiện dịch bệnh

Về giải pháp về quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn các trang trại chăn nuôi lợn nghiêm túc tuân thủ quy trình an toàn sinh học và tuân thủ các quy trình phòng dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng phòng bệnh.

Khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi - 1

Dịch tả lợn châu Phi tấn công nhiều nước mà chưa có thuốc chữa.

Đồng thời theo dõi, giám sát các đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có dịch và các địa phương có nhiều khách du lịch. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh,…..

Trong trường hợp phát hiện bệnh tả lợn xâm nhiễm sẽ phải tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh, các đàn lợn xung quanh và các sản phẩm của lợn có nguy cơ nhiễm bệnh. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch. Khi phát hiện lợn bị bệnh, nghi bị bệnh cần báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y. Không điều trị lợn bệnh. Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy mạnh công tác chủ động phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh động vật nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh lợn, bệnh Dại động vật; thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Kế hoạch quốc gia của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ động phòng chống dịch bệnh động vật.

“Tăng cường công tác giám sát chặt địa bàn, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, không để lây lan ra diện rộng; đặc biệt là thực hiện tiêm phòng vắc xin sớm để chủ động phòng bệnh; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, tổ chức giám sát chủ động, đánh giá biến đổi vi rút và lưu hành mầm bệnh, lập bản đồ dịch tễ, đánh giá hiệu lực của vắc xin”, Phó Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO