Khi nào cuộc khủng hoảng Corona mới kết thúc?

Theo Dantri 05/03/2020 07:43

Giữa lúc các thị trường chứng khoán lao dốc, các hãng hàng không hủy chuyến và các ca nhiễm mới được phát hiện khắp thế giới, một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là khi nào dịch Covid-19 sẽ kết thúc.

Khi nào cuộc khủng hoảng Corona mới kết thúc?

Bệnh nhân được vận chuyển bằng cáng tới bệnh viện tại Kirkland, Washington, Mỹ ngày 3/3. (Ảnh: Reuters).

Cho tới nay, không ai có thể trả lời chắc chắn câu hỏi đó, nhưng các nhà virus học nói rằng có thể rút ra những thực tế và các bài học từ các đợt bùng phát tương tự trước đây.

Trước dịch Covid-19, thế giới đã trải qua các đại dịch SARS, Ebola và H1N1. Nhìn từ các diễn biến và hệ quả của các đợt dịch này, các chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra với dịch Covid-19.

Ngăn chặn sự lây lan của virus thông qua các biện pháp chặt chẽ

Theo Washington Post, khi dịch SARS bùng phát tại châu Á vào năm 2002, căn bệnh lúc đó rất đáng sợ, với tỷ lệ tử vong khoảng 10% và không có thuốc điều trị hiệu quả. (Hiện virus corona có tỷ lệ tử vong khoảng 2,3%). Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, SARS đã được kiểm soát, và phần lớn đã bị tiêu diệt nhờ sự phối hợp của quốc tế và các biện pháp nghiêm ngặt như cách ly, kiểm dịch và truy tìm các dấu vết tiếp xúc.

Đây có thể là một viễn cảnh lý tưởng với Covid-19. Nhưng điều khác biệt là SARS có các triệu chứng nặng hơn virus corona, vì thế mọi người thường đến bệnh viện ngay sau khi nhiễm bệnh.

Nhưng ông Stuart Weston, một nhà virus học tại Đại học Maryland, nói rằng các ca nhiễm virus corona khó phát hiện và cách ly hơn. Ông Weston và các chuyên gia khác đã cảnh báo rằng sự bùng phát của dịch bệnh tại Mỹ và các quốc gia khác sẽ nhiều hơn thực tế được phát hiện, do những người có triệu chứng nhẹ không biết họ bị nhiễm bệnh.

Covid-19 có thể tấn công các nước nghèo

Một trong những bài học xương máu rút ra từ dịch Ebola (2014-2016) tại Tây Phi là dịch bệnh có thể tiến triển như thế nào khi nó tấn công các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn, trước khi dịch này được ngăn bằng vắc xin và các loại thuốc kháng virus. Đây là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước khác đã chuẩn bị về dịch corona cho các quốc gia tại vùng châu Phi cận Saraha, dù ít ca được phát hiện tại đây.

So với virus corona, Ebola ít lây hơn và chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với dịch cơ thể. Trong khi đó, virus corona có thể lây truyền thông qua những hạt vi nước do ho và hắt hơi, vốn có thể bám trên các bề mặt. Cho tới nay, Ebola đã khiến hơn 28.000 người bị lây nhiễm và hơn 11.000 người tử vong. Ebola gây tử vong nhiều hơn, và sự thiếu hụt đội ngũ y tế, trang thiết bị, tình trạng nghèo đói và sự chậm trễ của các nhà lãnh đạo và sự mất lòng tin của chính phủ đã làm dịch bệnh trầm trọng thêm.

Các lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới đã hối thúc các quốc gia chuẩn bị cho các kịch bản. Ngày 28/2, WHO đã nâng đánh giá về virus corona lên mức cao nhất. “Đây là một kiểm tra thực tế cho tất cả các chính phủ trên thế giới: Hãy thức tỉnh và sẵn sàng. Virus này có thể đang lan truyền, các bạn cần phải sẵn sàng”, ông Michael Ryan, giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, cảnh báo.

Lây lan rộng, trở thành phổ biến

Đây là điều đã xảy ra với dịch H1N1 vào năm 2009, còn được gọi là cúm lợn. Nó đã lây lan nhanh tới khoảng 11-12% dân số toàn cầu. WHO đã tuyên bố đại dịch H1N1 và đã có lo ngại về sự lây lan rộng của dịch bệnh.

Nhưng H1N1 thực tế trở nên bớt nghiêm trọng so với lo ngại trước đó, chủ yếu gây sổ mũi và ho. Và H1N1 giờ đây trở thành căn bệnh bình thường, được xem là một bệnh cúm mùa xuất hiện rồi biến mất khắp toàn cầu hàng năm.

Các ước tính ban đầu về tỉ lệ tử vong đối với H1N1 cao hơn nhiều so với tỷ lệ thực tế, ở mức từ 0,01-0,03%. Tuy nhiên, Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính H1N1 đã khiến 12.469 người chết tại Mỹ trong năm đầu tiên từ 2009-2010, lây nhiễm cho 60,8 triệu người và khiến 274.304 người phải nhập viện. Con số thực tế rất khó xác định vì nhiều người chết vì các nguyên nhân liên quan đến cúm đã không được xét nghiệm để xem liệu đó có phải là H1N1 hay một chủng cúm khác hay không. Theo CDC, cúm mùa đã khiến ít nhất 18.000 người tử vong tại Mỹ trong mùa năm nay.

Một số yếu tố khác

Nếu virus corona trở nên phổ biến như H1N1, điều quan trọng là cần phát triển vắc xin. Sau sự bùng phát của H1N1 vào năm 2009, các chuyên gia đã phát triển một vắc xin có thể được đưa vào tiêm phòng. Điều này giúp bảo vệ những người đặc biệt dễ bị tổn thương do các đợt bùng phát sau đó.

Trong tương lai gần, các loại thuốc kháng virus có thể có tác dụng, và các phòng thí nghiệm khắp thế giới đang thử nghiệm các cách thức chống virus.

Nhưng không ai biết liệu virus corona có bị ảnh hưởng theo mùa như cúm hay không.

“Chúng vẫn đang tìm hiểu nhiều điều về virus này”, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO nói. “Lúc này, không có lý do để nghĩ rằng virus corona có thể biến đổi trong các khí hậu khác nhau. Nhưng chúng ta phải theo dõi chặt chẽ những gì đang và sẽ diễn ra”.

Các loại virus corona lây nhiễm từ động vật sang người. Các chuyên gia tin rằng SARS lây lan từ dơi sang cầy hương rồi sang người. Hội chứng MERS vào năm 2012 cũng có khả năng lây nhiễm từ dơi sang lạc đà rồi sang người. Với Covid-19, chưa ai chắc chắn loài động vật nào gây ra dịch bệnh. Và đó vẫn là bí ẩn mà các nhà khoa học sẽ phải tìm ra để ngăn chặn sự tái diễn của dịch bệnh trong tương lai.

Một nghi phạm chính gây lan truyền Covid-19 là một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng được gọi là tê tê, mà vảy của chúng bị buôn bán bất hợp pháp. “Với SARS, họ xác định được loài động vật gây ra dịch bệnh tại Trung Quốc, họ có thể loại chúng khỏi các khu chợ sống”, Vineet Menachery, một nhà virus học tại Đại học Texas, nói. “Giống như một vòi nước bị vỡ, bạn phải tìm nó và khóa nó lại”.

Những bài học

Theo CNN, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là sự bùng phát của virus corona lần này đã làm nhớ đến những bài học đã được rút ra từ các đợt bùng phát trước đây.

Một “căn bệnh” mà thế giới hay gặp nhất là bệnh chủ quan và dễ quên. Khi dịch bệnh giảm đi, mọi người trở về với cuộc sống bình thường và không nghĩ tới dịch bệnh, các chuyên gia cảnh báo. Do đó, mọi người vẫn cần phải cảnh giác và chuẩn bị cho các kịch bản.

Con người đang sống trong thời đại xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm, vốn có thể tấn công thường xuyên. Bài học rút ra con người giờ đây cần phải chuẩn bị cho kịch bản này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nào cuộc khủng hoảng Corona mới kết thúc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO