Không để dịch chồng dịch

Hạnh Nhân 10/03/2020 22:20

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Kiên quyết chống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus chủng mới corona trên người đang diễn ra hết sức phức tạp.

Không để dịch chồng dịch

Lực lượng chức năng rắc vôi bột phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: Quang Vinh.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh trên động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cụ thể, cả nước đã có 34 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) do virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm. Các chủng virus cúm này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Có hơn 100 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 9 tỉnh, thành phố làm hàng nghìn con gia súc mắc bệnh và hàng trăm con bị chết. Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra vào năm 2019 gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và làm ảnh hưởng lớn chỉ số CPI…

Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC, LMLM, DTLCP, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid -19) trên người đang diễn ra hết sức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật theo quy định của Luật Thú y, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các địa phương đang có dịch bệnh động vật (CGC, LMLM, DTLCP…): Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài. Trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh theo quy định. Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine bao vây ổ dịch và phòng chống bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm có nguy cơ. Thành lập các Đoàn công tác đến các địa phương có dịch để chỉ đạo tổ chức chống dịch.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao: Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch, rà soát kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như CGC, LMLM, Tai xanh, Dại… nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.

Với Bộ NNPTNT, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Tập trung các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các địa phương trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh CGC, LMLM, DTLCP. Hướng dẫn, đảm bảo tổ chức nuôi tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát.

Đồng thời chỉ đạo bảo đảm các nguồn vắc xin để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng, tổ chức giám sát, đánh giá lưu hành các loại mầm bệnh. Kiểm nghiệm, khảo nghiệm đánh giá các loại vaccine để kịp thời có được các loại vaccine phù hợp, hiệu quả nhất cho công tác phòng bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình tái đàn lợn tại Phú Thọ

Ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Phú Thọ. Theo UBND tỉnh Phú Thọ, đến nay sau 3 tháng hết dịch, đàn lợn của tỉnh đã tăng ổn định liên tục, với tổng đàn tăng trên 20 nghìn con (tăng 3,2% so với tháng 1/2020), chủ yếu tăng tại các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung... Với tiến độ tăng đàn thuận lợi, Phú Thọ sẽ sớm lấy lại được tổng đàn lợn bằng năm 2018, khi chưa xảy ra DTLCP (khoảng trên 800 nghìn con). Toàn tỉnh hiện có 213 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 50 con lợn nái hoặc 500 lợn thịt trở lên (chiếm gần 30% tổng đàn lợn của tỉnh) và 17 doanh nghiệp tham gia chăn nuôi lợn. Việc tập trung vào khu vực chăn nuôi trang trại lớn, đảm bảo an toàn sinh học cũng là yếu tố giúp tỉnh hạn chế được dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để dịch chồng dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO