Nhận biết và xử lý sốt xuất huyết

Tố Quyên 04/11/2018 08:00

Theo Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ở hầu hết địa phương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Từ đầu năm đến nay, đã có 11 ca tử vong đều ở các tỉnh phía Nam. Bộ Y tế nhận định, dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài đến hết tháng 11.

Nhận biết và xử lý sốt xuất huyết

Ảnh minh họa.

Sau khi bị muỗi vằn Aedes đốt 7-10 ngày, người bệnh bắt đầu sốt. Thân nhiệt tăng nhanh lên 39-40 độ C kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, đau khớp, đau đầu, chán ăn, nôn, buồn nôn... Cơn sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày, sốt cao có thể kèm co giật. Một số trẻ có biểu hiện 1-2 ngày đầu, ngưng sốt 3-4 ngày, sốt trở lại ngày thứ 5-6.

Sau sốt 2-3 ngày, người bệnh có thể xuất huyết dưới da (ban đỏ dạng chấm, mảng bầm tím), niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ). Có thể dùng 2 ngón tay căng vùng da phát ban để phân biệt sốt xuất huyết với các loại bệnh khác. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại là sốt xuất huyết.

Bệnh trở nặng khi xuất hiện các mảng bầm tím trên da, xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn và đi ngoài ra máu, chảy máu cam mũi hoặc chân răng; da lạnh, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm đột ngột... Khi mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu sốt cao đột ngột 39-40 độ, kéo dài trong nhiều ngày. Với trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài trong nhiều ngày.

Nếu trẻ sốt cao, phụ huynh cho con uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể chọn loại thuốc có vị cam dễ uống để bé dễ hợp tác hơn. Nếu thân nhiệt vẫn không hạ, nên nới lỏng quần áo, lau mát hoặc bật điều hòa 27-28 độ C. Chú ý bù nước cho con bằng nước sôi để nguội, nước trái cây (dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối. Trẻ đang sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, không tự ý truyền nước để tránh gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh cần được ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ. Thực phẩm có màu đen hoặc đỏ sẫm như thanh long, dưa hấu, củ dền... cần hạn chế vì có thể trẻ đi ngoài phân đen hoặc đỏ, dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong giai đoạn sốt để tránh xuất huyết nặng.

Trẻ em sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bé tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã, lừ đừ, đau bụng vùng gan tăng; da sung huyết nhưng chân tay lạnh; nôn tăng đột ngột; nôn ra máu hoặc đi ngoài máu tươi; tiểu ít... cần phải nhập viện ngay. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu, đánh giá thêm các dấu hiệu nữa như phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để xác định trẻ bệnh nặng. Nếu được điều trị hợp lý, người sẽ dần hồi phục, chân tay ấm lên, ra mồ hôi, mạch và huyết áp ổn định dần, lượng nước tiểu nhiều hơn, tỉnh táo, bắt đầu ăn ngon miệng và sinh hoạt bình thường.

Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắcxin ngừa. Chủ động phòng bệnh bằng cách dọn dẹp các nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, thu dọn vật dụng chứa nước cặn, lưu thông cống rãnh. Nhà cửa thoáng sạch, tránh để tối tăm, bí gió cho muỗi cư trú...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận biết và xử lý sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO