Cầu nối giúp người nghèo vươn lên

Theo Báo Bắc Giang 11/03/2018 14:00

Nhiều năm nay, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV;) được ví như “cánh tay” nối dài của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang. Thông qua hoạt động của tổ, nhiều hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cầu nối giúp người nghèo vươn lên

Gia đình anh Đào Ngọc Minh, thôn 5, xã Hương Lạc (Lạng Giang) thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi của NHCSXH.

Thoát nghèo bền vững

Những năm trước đây, gia đình chị Đỗ Thị Thuyên, thôn Đông Long, xã Quảng Minh (Việt Yên) thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhất nhì thôn.

Gia đình có 7 nhân khẩu, bố mẹ tuổi cao, sức yếu; trong ba con thì một cháu bị thiểu năng trí tuệ. Bởi vậy, ngoài làm ruộng, vợ chồng chị phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. Dù vất vả nhưng kinh tế vẫn eo hẹp, thậm chí có năm “đứt bữa” vào tháng giáp hạt.

Trong lúc loay hoay tìm hướng thoát nghèo, đầu năm 2015 vợ chồng chị được tổ TK&VV của thôn hướng dẫn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng của Chi nhánh NHCSXH huyện trong 4 năm. Có vốn, anh chị cải tạo chuồng trại, mua đôi bò sinh sản về nuôi.

Ba năm qua, cặp bò đẻ 3 con bê, bán giống thu hơn 40 triệu đồng. “Được vay vốn dành cho người nghèo để chăn nuôi, kinh tế gia đình dần khá hơn, tôi không còn phải lo thiếu gạo ăn như trước. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo”- Chị Thuyên cho biết. Thông qua tổ TK&VV, ở thôn Đông Long hiện có 11 hộ nghèo được tiếp cận vốn ưu đãi của ngân hàng để chăn nuôi với dư nợ gần 600 triệu đồng.

Năm 2014 hộ anh Đào Ngọc Minh, thôn 5, xã Hương Lạc (Lạng Giang) cũng rơi vào cảnh túng thiếu bởi cả đàn lợn gần 100 con bị dịch bệnh chết hàng loạt. Tiền của gom góp bấy lâu theo đó cũng sạch trơn.

Vào thời điểm ấy, con anh thi đỗ đại học, gia đình có ý định cho cháu ở nhà vì kinh tế quá khó khăn.

Đúng lúc ấy, anh được tổ TK&VV tư vấn hoàn thiện hồ sơ vay hơn 70 triệu đồng theo gói tín dụng học sinh - sinh viên và giải quyết việc làm cho hộ nghèo.

Có vốn vay, anh tiếp tục cho con theo học, đồng thời mạnh dạn dồn đổi và thuê thêm ruộng chăn nuôi gia cầm, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả như: Táo, chanh, hồng xiêm, gấc. Vừa làm vừa mở rộng quy mô, 3 năm qua, mỗi năm doanh thu của gia đình đạt 500-700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100-200 triệu đồng/năm. Có nguồn thu ổn định, gia đình anh đã thoát nghèo, trả được vốn vay, nuôi con ăn học.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Chi nhánh NHCSXH tỉnh), hiện toàn tỉnh có khoảng 3,5 nghìn tổ TK&VV ở các thôn, bản, khu phố, tạo điều kiện cho hơn 38 nghìn hộ nghèo được kịp thời vay vốn ưu đãi với dư nợ hơn 1,3 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã góp phần giúp các hộ có thêm điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn hộ thoát nghèo, giảm gần 2,2% so với năm trước.

Giúp hộ nghèo tiếp cận vốn vay thuận lợi

Hiện nay, tổ TK&VV trong tỉnh đều do các tổ chức, đoàn thể như: Thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân quản lý, nhận ủy thác với Chi nhánh NHCSXH các huyện, TP để giải ngân vốn vay cho hộ nghèo.

Các tổ đều có ban quản lý (BQL) gồm tổ trưởng, tổ phó, được thành lập và hoạt động theo địa bàn thôn, bản, tổ dân phố, có từ 30-60 thành viên là hộ nghèo, hộ chính sách, hộ cận nghèo.

Với vai trò là “cầu nối” hội viên với NHCSXH, BQL các tổ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn.

Khi có nhu cầu vay tiền, hộ nghèo không phải trực tiếp đến ngân hàng mà được BQL tổ hướng dẫn điền các thông tin trong hồ sơ vay vốn ngay tại trụ sở UBND xã. Sau đó, định kỳ mỗi tuần, cán bộ ngân hàng về tận điểm giao dịch tại xã giải ngân, rút ngắn thời gian cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Tư, Tổ trưởng tổ TK&VV thôn Đông Long, xã Quảng Minh cho biết: “Để cho vay đúng đối tượng, trước mỗi đợt giải ngân, tổ đều mời đồng chí trưởng thôn họp bình xét công khai, lựa chọn đúng đối tượng, sau đó trình UBND xã xác nhận. Tổ còn hướng dẫn các thành viên cam kết đầu tư vốn đúng mục đích, trả lãi, nợ đúng hạn và kết hợp thường xuyên kiểm tra, kịp thời đề xuất ngân hàng thu hồi vốn nếu phát hiện vi phạm”.

Để giảm tiền gốc phải trả cuối kỳ, phòng rủi ro, BQL một số tổ ở các thôn: Trại Cao, Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam); Na Nang, xã Phong Minh (Lục Ngạn); Đồng Riễu, Mục, xã Dương Hưu (Sơn Động… còn vận động các các thành viên gửi tiền tiết kiệm hằng tháng.

Ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh khẳng định, các tổ TK&VV ở thôn, bản không chỉ tạo điều kiện hộ nghèo được tiếp cận vốn vay kịp thời, thuận tiện mà còn giúp ngân hàng từng bước nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được ngân hàng cấp trên phân bổ 40 tỷ đồng cho hộ nghèo vay vốn giải quyết việc làm.

Để giải ngân kịp thời, Ngân hàng đang tập trung chỉ đạo các chi nhánh cấp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ BQL các tổ từ khâu lựa chọn, bình xét đối tượng; thực hiện ghi chép, thu lãi, thu tiền tiết kiệm hằng tháng theo bảng kê, biên lai thu lãi và đôn đốc thu nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Tại một số huyện Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện còn xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra hoạt động nội bộ của các tổ TK&VV để đối chiếu nợ, thu hồi vốn, tránh thất thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu nối giúp người nghèo vươn lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO