Điểm sáng tái cơ cấu nông nghiệp

Hạnh Nhân 11/08/2018 07:40

Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Cao Bằng Nguyễn Văn Dừa đề nghị, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần phát huy lợi thế, lựa chọn sản phẩm chủ lực, làm tốt quy hoạch, định hướng vùng sản xuất nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Điểm sáng tái cơ cấu nông nghiệp

Thu hoạch cây thuốc là ở huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.

MTTQ tỉnh Cao Bằng vừa kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Nguyên Bình và huyện Hoà An. Đây là 2 điểm sáng, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, qua hơn 2 năm thực hiện, toàn huyện Nguyên Bình có 80.057 ha đất nông nghiệp. Năm 2017 diện tích cấy lúa đạt 2.582,1 ha, đạt 120% kế hoạch, sản lượng trên 9.773,2 tấn. Đặc biệt, 6 tháng năm 2018, diện tích lúa đạt 103% kế hoạch, sản lượng đạt 796,22 tấn. Cùng với đó, ngô và các cây ăn quả như thanh long, cam quýt đêù tăng sản lượng...Tổng đàn trâu 10.997 con, bò 10.964 con, lợn 36.755 con, gia cầm 151.400 con. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%... Có thể thấy, những chuyển biến trong tái cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, qua đó góp phần vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 6,39 tiêu chí/xã.

Theo trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An Lưu Văn Bách, huyện có trên 11.600 hộ sinh sống tại địa bàn nông thôn, thu nhập chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chiếm 88% tổng số hộ. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 58 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm. Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, diện tích cây lúa, ngô trung bình hàng năm trên 6.940 ha, sản lượng đạt trên 29.700 tấn; rau màu diện tích trung bình hằng năm trên 540 ha, sản lượng đạt trên 4.300 tấn, trong đó 15 ha rau chuyên canh, duy trì sản xuất rau an toàn. Đáng chú ý, huyện Hòa An tập trung chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực khuyến khích, hỗ trợ nhân dân đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

“Thời gian tới, với mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Về lĩnh vực chăn nuôi, sản lượng thịt xuất chuồng các loại gia súc, gia cầm tăng từ 3 - 5%/năm. Năm 2017 có 2 xã về đích nông thôn mới là Nam Tuấn và Hồng Việt. Năm 2018 phấn đấu xã Bế Triều đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Lưu Văn Bách chia sẻ.

Đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại 2 huyện Nguyên Bình và Hoà An, ông Nguyễn Văn Dừa đề nghị các huyện quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó phối hợp với các sở, ngành định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Dừa khuyến khích các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân hiểu đúng về mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy lợi thế của địa phương lựa chọn sản phẩm chủ lực, làm tốt quy hoạch, định hướng vùng sản xuất nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng tái cơ cấu nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO