Các đội tuyển Olympic Việt Nam 2017: Thành tích xứng kỳ vọng

Lam Nhi 25/07/2017 06:00

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, cả ba đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Toán, Hóa học và Vật lý quốc tế năm 2017 đều đạt thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự từ trước đến nay. Vui mừng và tự hào về một thế hệ trẻ Việt Nam bản lĩnh và giàu nghị lực, bởi không phải tất cả các em đều có điều kiện học tập tốt nhất.

Đội tuyển Việt Nam tại Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) 56.

“Mưa vàng”

Theo số liệu trên được Ban tổ chức Olympic Toán Quốc tế (IMO) 2017 công bố trên trang web chính thức của cuộc thi, năm nay Đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong 43 lần dự thi IMO, đứng thứ 3 thế giới. Cụ thể, 4 huy chương vàng được trao cho em Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu, 35 điểm); Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, 28 điểm); Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, 28 điểm); Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, 25 điểm). 1 huy chương bạc thuộc về Phạm Nam Khánh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, 21 điểm). Em Đỗ Văn Quyết (THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, 18 điểm) đoạt huy chương đồng. Đặc biệt, Hoàng Hữu Quốc Huy cùng 2 thí sinh khác (từ Iran và Nhật Bản) có điểm số cá nhân cao nhất IMO 2017.

Đội tuyển Vật lý cũng ghi dấu ấn với 5/5 học sinh đoạt giải, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Huy chương vàng thuộc về các học sinh Đinh Anh Dũng, lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Tạ Bá Dũng, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội; Nguyễn Thế Quỳnh, lớp 12 Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, tỉnh Quảng Bình, Trần Hữu Bình Minh, lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. Còn một huy chương bạc thuộc về em Phan Tuấn Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

Với đội tuyển Hóa học, Đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 2 cùng với Trung Quốc, sau Hoa Kỳ, trong đó điểm thi của các thí sinh của Việt Nam đoạt Huy chương đều xếp thứ hạng cao trong cuộc thi. Cụ thể, 3 huy chương vàng thuộc về em Đinh Quang Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội (92,13/100 điểm, đứng thứ 9/297 thí sinh), Nguyễn Bằng Thanh Lâm, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội (89,67/100 điểm, đứng thứ 20/297 thí sinh), Phạm Đức Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (89,46/100 điểm, đứng thứ 21/297 thí sinh). Một huy chương bạc thuộc về Hoàng Nghĩa Tuyến, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An (85,91/100 điểm).

Trong số những học sinh tham dự kỳ thi lần này, có thể thấy nhiều gương mặt quen thuộc đã đạt giải cao trong các kỳ thi trước đó như Đinh Anh Dũng (đội tuyển Vật lý) với huy chương vàng Olympic Vật lý châu Á năm 2017, Nguyễn Thế Quỳnh huy chương bạc Vật lý quốc tế châu Á 2016…

Giải mã thành công

Kết quả này, theo Bộ GD&ĐT, đã “khẳng định hướng đi đúng của ngành giáo dục trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi”. Trong đó, việc tuyển chọn các thành viên tham dự đội tuyển quốc gia được thực hiện bài bản qua các vòng thi từ cấp trường, cấp quận, cấp thành phố, quốc gia… nên các thí sinh có dịp cọ sát với nhiều cuộc thi từ cấp độ dễ đến khó.

Sau đó là sự huấn luyện bài bản từ những giáo viên kỳ cựu dày dạn kinh nghiệm đến từ các trường phổ thông cũng như các thầy cô có tên tuổi, uy tín trong đào tạo đội tuyển Olympic trong cả nước. Ngoài ra, một số thí sinh đã từng tham dự các kỳ Olympic trước cũng được mời đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với đội tuyển để cập nhật những tình huống, những điểm cần lưu ý trong quá trình diễn ra kỳ thi.

Đặc biệt, điểm yếu của các đội tuyển Việt Nam qua những lần thi trước đó là phần thực hành thường bị mất điểm do chưa được luyện tập nhiều trong quá trình học, thiết bị thí nghiệm thiếu, sơ sài… đã được chú trọng đầu tư hơn. Hay với đội tuyển Toán, bên cạnh thế mạnh là hình học và đại số, ban huấn luyện cũng nhận rõ những phần hay bị mất điểm của thí sinh Việt Nam là tổ hợp, số học cũng được đầu tư kỹ càng để tránh được việc học lệch.

Bên cạnh đó, những thầy cô được lựa chọn để tham gia dẫn đoàn dự thi ngoài trọng trách lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho thí sinh trên nước bạn, thì một yêu cầu quan trọng khác là đấu tranh cho bài thi của học sinh Việt Nam đạt điểm cao nhất, xứng đáng với kết quả các em đã nỗ lực. Cụ thể, ở bộ môn Toán hay Vật lý, Hóa học, sau khi các em học sinh làm bài thi xong, bài làm sẽ được photo đưa cho ban giám khảo nước chủ nhà chấm và phát cho lãnh đạo các đoàn chấm để kiểm tra đối chiếu. Sau đó, có buổi thảo luận về điểm các bài thi giữa ban giám khảo và trưởng phó đoàn.

Phía sau vinh quang

PGS. TS Lê Anh Vinh, người từng trực tiếp tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2001 và đoạt huy chương bạc, sau đó tham gia huấn luyện cho đội tuyển học sinh Việt Nam đi thi nhiều năm liền, là Trưởng đoàn Olympic Toán học 2017 chia sẻ, không chỉ thế hệ anh mà ngày nay, một học sinh muốn được tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi phải vượt qua nhiều vòng, từng cấp bậc 1, bắt đầu là cấp trường, cấp quận, cấp thành phố, cấp toàn quốc rồi mới đến thi quốc tế. Áp lực rất nhiều.

“Lâu nay, nhiều người vẫn thắc mắc là ở nước ngoài liệu có luyện học sinh kiểu “gà nòi” như ở Việt Nam hay không? Học sinh để được chọn thi Olympic học có vất vả như Việt Nam hay không? Tôi khẳng định là rất vất vả. Ở Mỹ, để lọt vào vòng 6 bạn đi thi Olympic Toán quốc tế, sự vất vả không hề thua kém 6 bạn ở Việt Nam”- PGS.TS Lê Anh Vinh cho hay.

Về ý kiến cho rằng đội tuyển Toán của VN xếp thứ hạng rất cao nhưng phong trào học toán thì không biết đến đâu, PGS. TS Lê Anh Vinh từng chia sẻ, phong trào toán học của Việt Nam không chỉ là để chọn ra 6 bạn đi thi Olympic toán quốc tế. Tất cả những học sinh đạt được kết quả tốt ở đội tuyển trường, cấp quận thành phố… đều rất đáng tự hào.

Trong đó, phong trào Toán học nói riêng và các môn học khác nói chung muốn phát triển thì phải có cách thức để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các em. Một trong số đó là chương trình bổ trợ ngoại ngữ cấp Tiểu học, THCS là vô cùng quan trọng. Làm sao để sau này các em học sinh có thể học trực tiếp Toán và các môn khoa học hoàn toàn bằng tiếng Anh để phát triển tư duy, sẵn sàng cho bước tiếp theo trên lộ trình phát triển của mình.

Đối với những thí sinh của kỳ thi, bên cạnh niềm vui và tự hào về thành tích của các em, PGS Vinh cho rằng gia đình và xã hội cần có cách nhìn nhận, tôn vinh phù hợp. Hãy coi đó là những “hạt giống” để có thể ươm mầm tốt để tạo những tài năng phát triển thay vì tôn vinh các em quá sớm chỉ có hại, không có lợi.

“Lời khuyên của những giáo viên như chúng tôi là: Các em hãy quên ngay thành tích của mình nhưng đất nước, các thầy sẽ không bao giờ quên”- PGS Vinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các đội tuyển Olympic Việt Nam 2017: Thành tích xứng kỳ vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO