Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc mang thai hộ

An Chi 12/04/2021 16:11

Núp dưới chiêu bài mang thai hộ để giúp những gia đình hiếm muộn hoàn thành ước mơ được làm cha, làm mẹ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí hình thành tổ chức mang thai hộ xuyên quốc gia để trục lợi. Theo các ngành chức năng, mang thai hộ vì mục đích thương mại là một loại tội phạm mới được quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Theo khoản 23 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015, mang thai hộ vì mục đích thương mại “là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”. Người có hành vi vi phạm quy định nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy giữa mang thai hộ vì nhân đạo và vì thương mại đều giống nhau ở việc người nhờ mang thai không thể tự mang thai, sinh con được dù đã áp dụng kỹ thuận hỗ trợ sinh sản và cách thức thực hiện về y tế cũng giống nhau. Tuy nhiên về mục đích là hoàn toàn khác nhau. Ở mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì mục đích của người mang thai hộ chỉ là giúp đỡ những cặp vợ chồng khó khăn, còn mang thai hộ vì mục đích thương mại lại nhằm có được lợi ích cho bản thân mình.

Trách nhiệm dân sự - Xử lý hành chính

Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2 của Điều này là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”.

Trách nhiệm hình sự ­­­­- Điều 187 Bộ Luật hình sự

Theo quy định của Bộ luật hình sự tại điều 187: Hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại không bị xử phạt hành chính mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tương ứng như sau:

- Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

- Trường hợp tổ chức mang thai hộ đối với hai người trở lên hoặc phạm tội 2 lần trở lên hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan tổ chức (như bệnh viên...) hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

- Hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Mặc dù quy định của Luật hôn nhân và gia đình cấm việc một người phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại. Nhưng khi xử lý hình sự lại không xử lý người mang thai hộ mà đối tượng bị xử lý lại là người tổ chức việc mang thai hộ chứ không phải những người nhờ mang thai hay trực tiếp mang thai. Trong khi đó, lại không có định nghĩa người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là người như thế nào?

Người tổ chức mang thai hộ có thể hiểu là người đứng ra thực hiện các hành vi để hỗ trợ bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ tiến hành việc mang thai hộ, các hành vi hỗ trợ thường thấy là: tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện... Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại.

Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Đối với chủ thể: Người phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự ( theo quy định của Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên) và là người đứng ra thực hiện tất cả các hành vi phạm tội để tổ chức việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Điều đó có nghĩa, ở tội phạm này pháp luật chỉ xử lý hình sự với người tổ chức cho việc mang thai hộ diễn ra để thu lợi chứ không phải bên nhờ mang thai hay bên mang thai.

Mặt khách quan: Tội phạm tổ chức mang thai hộ gồm tổng hợp nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho bên có nhu cầu mang thai gặp gỡ, trao đổi, và hỗ trợ phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích của người tổ chức mang thai hộ trong trường hợp này là nhận được lợi ích vật chất của bên nhờ mang thai hộ; mục đích mang thai không phải là yếu tố quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức họ hiểu rõ hành vi mình thực hiện là không được phép, biết được hậu quả nhưng vẫn chủ động thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc mang thai hộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO