Các nhà hát tự chủ hoạt động: Giấc mơ còn xa

Vũ Trần 07/03/2016 07:09

Từ năm 2015, Bộ VHTT&DL đã có những qui định về cơ chế để các đơn vị nghệ thuật công lập sớm tiến tới tự chủ trong hoạt động. Đây là xu thế tất yếu, nhất là khi một số hãng phim Nhà nước đã cổ phần hóa cách đây một vài năm. Nhưng cũng từ thực tế hoạt động hiện nay, việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập vẫn là giấc mơ xa. 

Cần có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình tiến tới tự chủ hoàn toàn tại các nhà hát.

Loay hoay

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16) đặt ra lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, đến năm 2016 phải đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Thực hiện quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2015, có 5 đơn vị nghệ thuật thuộc quản lý của Bộ VHTT&DL được chọn thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý từ bao cấp hoàn toàn sang quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán thu chi.

Trong đó, có 2 đơn vị tự chủ 100% (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam); các đơn vị còn lại cắt giảm 30% ngân sách trong năm 2015-2016 và tới năm 2017, các đơn vị sẽ phải đảm bảo tự chủ 100%.

Theo đánh giá, khi được trao quyền tự chủ, các đơn vị nghệ thuật sẽ chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp sẽ gắn với chất lượng, hiệu quả công việc; hướng đi này cũng tạo nền tảng để các đơn vị thích nghi với quy luật xã hội, thích nghi với nền kinh tế thị trường, giải phóng sức sáng tạo, đặc biệt là xóa bỏ sự trì trệ, lực cản trong tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Kinh nghiệm từ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho thấy, tự chủ là xu thế tất yếu. Khi tự chủ, các đơn vị hoạt động đa dạng, phong phú hơn; phát huy được sức sáng tạo, doanh thu lớn hơn, đời sống của nghệ sĩ được cải thiện hơn; qua đó huy động nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, việc thay đổi cho phù hợp với cơ chế thị trường của các đơn vị nghệ thuật gặp phải những khó khăn nhất định. Từng hoạt động nhờ được bao cấp hoàn toàn, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống, vốn đã gặp khó khăn về khán giả, nguồn thu từ biểu diễn, có nguy cơ không trụ nổi trong cơ chế mới. Chưa kể, việc sắp xếp lại nhân sự của các đơn vị sau khi thực hiện tự chủ cũng là vấn đề cần quan tâm. Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp - nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, khi đã chuyển sang tự hoạch toán, các đơn vị phải chú trọng đến việc thu hút người tài, cơ chế đãi ngộ không thể áp dụng theo kiểu cào bằng trước kia.

Tuy vậy, cơ chế hiện nay chưa cho phép các đơn vị được làm điều mình muốn và cần chờ thêm thời gian để Bộ VHTT&DL có những điều chỉnh hợp lý giúp quá trình xã hội hóa các đơn vị diễn ra thuận lợi hơn. Còn theo ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, với cơ chế tự chủ, các diễn viên tài năng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Cơ chế tự chủ sẽ thực sự là thách thức đối với các nhà hát không có nguồn thu từ việc cho thuê rạp và kinh doanh các dịch vụ khác.

Nhiều tác phẩm sẽ được nhà nước đặt hàng?

Nghị định 16 đặt ra lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, đến năm 2016 phải đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Tuy nhiên, đối với những loại hình văn hóa khó có thể xã hội hóa được, nhiều ý kiến cho rằng nên linh hoạt vận dụng, chuyển đổi sang theo hình thức Nhà nước đặt hàng.

Bà Ngô Thanh Thủy- Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước không nên đặt nặng việc một nhà hát phải kiếm được bao nhiêu tiền trong năm. Nhiệm vụ của các nhà hát là sáng tạo nên các tác phẩm đáp ứng yêu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Nếu như đặt nặng việc kinh doanh, đảm bảo nguồn thu sẽ rất dễ dẫn đến các vở diễn không đảm bảo chất lượng nghệ thuật”.

Hiện, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đang đề nghị thực hiện cơ chế đặt hàng với các đơn vị nghệ thuật. Bởi trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự sống còn của đơn vị nghệ thuật phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm. Theo Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương, hiện nay có tình trạng ngân sách nhà nước cấp chi vào hành chính quá nhiều, chưa chú trọng đầu tư cho tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, khi thực hiện tự chủ, phải đảm bảo việc giao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu của đơn vị nghệ thuật công lập.

Theo ông Chương, nếu tự chủ về tài chính mà không tự chủ về cơ chế tổ chức thực hiện, quản lý, thì không thể có điều kiện phát huy sức sáng tạo, đổi mới. Một trong những vấn đề khác được đặt ra trong lộ trình tự chủ của các nhà hát là chất lượng các chương trình nghệ thuật. Khi phải tự hạch toán thu chi sẽ dẫn tới việc các nhà hát phải xây dựng các chương trình đảm bảo doanh thu, thậm chí, chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả. Mặc dù Bộ VHTT&DL khẳng định sẽ tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo để các đơn vị trong và sau khi thực hiện tự chủ vẫn đảm bảo hoạt động, không chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, song nhiều ý kiến vẫn còn lo ngại, băn khoăn!

Mới đây nhất, Bộ VHTT&DL đã ban hành Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Đề án sẽ triển khai trên toàn quốc trong năm 2016, để khắc phục sự thiếu hụt lực lượng diễn viên, nhạc công, và là nguồn lực để đơn vị nghệ thuật tự chủ. Lộ trình tiến tới tự chủ của các đơn vị nghệ thuật còn nhiều khó khăn nhưng dù sao cũng mở ra cơ hội lớn, trở thành đòn bẩy để thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo nghệ thuật. Nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nhà hát tự chủ hoạt động: Giấc mơ còn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO