Các nhà hát tự chủ tài chính: Lộ trình trong mơ

Hà Anh 28/08/2016 09:00

Sau nhiều lần lữa, từ năm 2016, toàn bộ 12 nhà hát thuộc quản lý của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính (hoàn thành vào năm 2020). Nhưng đó có phải là một lộ trình trong mơ?

1. Trong số đó có 2 nhà hát tự chủ 100% là Nhà hát Ca Múa Nhạc VN, Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN; 10 nhà hát khác được giao tự chủ từ 30% đến 60% là: Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN, Nhà hát dân gian Việt Bắc, Dàn nhạc Giao hưởng VN, Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Múa rối VN. Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2020, 12 nhà hát đồng thời là đơn vị sự nghiệp của Bộ sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động.

Ngoài các nhà hát trực thuộc Bộ VHTT&DL, tại Hà Nội còn có 5 nhà hát thuộc sự quản lý của Sở VHTT&DL nhưng chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long đã được giao tự chủ tài chính từ 15 năm nay, còn lại Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo cũng mới chỉ bắt đầu thí điểm mô hình tự chủ 30%.

Người ta luôn nói rằng, sở dĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long tự chủ được tài chính và sống khỏe được là nhờ “địa thế vàng” (nằm cạnh Bờ Hồ) nên dễ lọt vào tầm ngắm của khách du lịch quốc tế mà quên mất một điều rằng, để kéo được khách du lịch vào xem rối nước, từ nhiều năm qua Nhà hát Múa rối Thăng Long phải “bắt tay” và có “cơ chế” đối với mấy trăm đơn vị làm du lịch lữ hành ở Thủ đô.

Tại hội thảo “Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến thừa nhận rằng việc xã hội hóa sân khấu ở Thủ đô diễn ra rất ì ạch theo kiểu các nhà hát cứ loay hoay “vừa làm, vừa nghe, vừa lúng túng”.

Có đại diện nhà hát còn phát biểu rằng, “cứ có cảm giác các lãnh đạo cũng như các nghệ sĩ không phân biệt được thế nào là xã hội hóa, thế nào là tư nhân hóa” thì e rằng lộ trình đến năm 2020, toàn bộ các nhà hát của Hà Nội cũng như các nhà hát trực thuộc sự quản lý của Bộ sẽ phải thực hiện tự chủ tài chính 100% chỉ là một lộ trình trong... mơ.

Cảnh trong vở “Hừng đông”.

2. Trước thời cuộc đã có nhiều thay đổi, phải thừa nhận đây là chủ trương đúng đắn. Nhà nước cần hỗ trợ, nhưng không thể và không nên “bao cấp văn hóa” mãi khi nền kinh tế đã chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường từ lâu. Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN đã trải qua những cơn chếnh choáng ban đầu với những khó khăn.

Song kể từ sau năm 2012, khi được giao tự chủ hoàn toàn về tài chính, theo chia sẻ của Giám đốc Nhà hát là NSND Trần Bình, thu nhập của nghệ sĩ nhà hát đã tăng lên 3 lần, doanh thu đạt trên 35 tỉ đồng/năm.

Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã bước vào tự chủ 30% năm thứ 2 nhưng đã ký kết được nhiều hợp đồng biểu diễn mới bằng phương thức xã hội hóa với nguồn kinh phí vài tỉ đồng mỗi năm. Nhà hát Cải lương VN bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã tung ra được 2 vở diễn nặng ký là “Mai Hắc Đế” và “Chuyện tình Khâu Vai” với hàng trăm đêm diễn rộng rãi ở nhiều địa phương…

Việc áp dụng lộ trình xã hội hóa cũng đã khiến một số đơn vị làm sân khấu như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Chèo đã có biện pháp chủ động trong việc maketing sản phẩm nghệ thuật của mình với nhiều biện pháp truyền thông, kêu gọi tài trợ, xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Một số nhà hát đã có được nhiều cái bắt tay với doanh nghiệp, tổ chức được hàng trăm đêm diễn, tạo được tiếng vang và sự ủng hộ của công chúng yêu sân khấu.

Bên cạnh nhiều ý kiến lạc quan, vẫn còn có ý kiến lo ngại về việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương vốn gặp nhiều khó khăn sẽ chết mòn. Thậm chí, một số người bi quan còn cho rằng, cơ chế tự chủ có khả năng biến các nhà hát có thâm niên trên nửa thế kỷ thành một... gánh hát khi phải cắt giảm tối đa nhân lực, đồng nghĩa với việc đẩy các nghệ sĩ ra đường.

Ai cũng thấy buồn rầu lo sợ rằng, nếu rời nguồn vốn ngân sách nhà nước sân khấu truyền thống chắc chắn sẽ ngắc ngoải rồi... chết. Vì thế, tâm lý nghệ sĩ và người đứng đầu các nhà hát đều chưa muốn bị “cai sữa” dù “bầu sữa mẹ ngân sách” trong những năm qua, dù vẫn bị chê là hạn hẹp, ít ỏi.

Ai chẳng muốn cứ “đến hẹn lại lên”, một số nhà hát một năm nhận được trên dưới 10 tỉ đồng tiền ngân sách, nhưng đã đến lúc Nhà nước không thể bao cấp mãi cho các nhà hát mà các nhà hát sẽ phải tự đi bằng đôi chân của mình. Chỉ có điều mốc 2020 đã đến rất gần nhưng với hiện tình trạng lúng túng và tâm lý không muốn bị cai sữa như hiện nay, không biết đến lúc đó các nhà hát sẽ đối mặt với cơ chế tự chủ tài chính 100% như thế nào hay là chọn biện pháp... giải thể?

NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam:

Trong xã hội ngày nay, không có chỗ cho một nhà hát cứ ngồi đó để ỷ lại, trông chờ hoặc làm quấy quá cho xong. Tôi vẫn hy vọng cấp trên có thể nhìn thấu đáo và ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Theo tôi được biết, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng nhìn ra những bất cập của việc này nên có nói rằng, không nhất thiết tất cả mọi thứ phải tự chủ hết, có những lĩnh vực việc tự chủ dần có thể sẽ đưa đến việc mất đi cái gốc văn hóa. Như thế là có tội với đất nước, với dân tộc. Tôi tin rằng, trong thời gian tới sẽ có những cơ chế, chính sách hợp lý đối với những nhà hát nghệ thuật truyền thống, ví dụ vẫn có một nguồn ngân sách nào đó để “bảo trợ” cho tuồng, chèo, cải lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nhà hát tự chủ tài chính: Lộ trình trong mơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO