Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường

Nguyễn Quốc 15/10/2019 16:12

Ngày 15/10, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã bế mạc. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phiên bế mạc.

Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tham dự còn có bà Margrethe Volden, Giám đốc Tổ chức Bắc Âu (NCA) khu vực Châu Á và Trung Đông, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng sự có mặt của các đại biểu chức sắc đại diện các tổ chức tôn giáo trong cả nước và đại diện lãnh đạo nhiều Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Tại phiên bế mạc, các đại biểu đại diện cho 3 phiên thảo luận vào chiều ngày 14/10 đã trình bày tóm tắt các nội dung thảo luận, đóng góp ý kiến trong việc chung tay bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với BĐKH.

Báo cáo phiên thảo luận tại hội trường 1 do UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì với chủ đề “ Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hành động của chúng ta”, Mục sư Trần Thanh Truyện, Giáo hội cơ đốc Phục Lâm cho biết, phiên thảo luận đã đề cấp đến nhiều vấn đề và các mô hình hay về việc BVMT trong đó nổi bật hơn cả chính là việc các tôn giáo đều gắn liền với giáo lý trong hoạt động BVMT; tăng cường giáo dục lối sống lành mạnh cho các tín đồ, đặc biệt là ăn chay, tránh việc sát sanh để chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường - 1

Các đại biểu tham dự phiên bế mạc Hội nghị.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay như vận động các giáo dân phân loại rác từ đầu nguồn, thực hiện ngày thứ 7 xanh hỏa táng thay vì địa táng, trồng cây xanh để tạo cảnh quan và BVMT sống lành mạnh. Lồng ghép BVMT và ứng phó với BĐKH trong các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt cần có chính sách phù hợp trong việc di dân ở vùng bị sạt lở để tái định cư.

Cũng theo Mục sư Truyện, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến, kiến nghị lên các cấp chính quyền tạo điều kiện để người dân, các tổ chức đoàn thể cùng chung tay BVMT trong đó, đa số các ý kiến đều cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường nên tạo nguồn kinh phí cho các Tôn giáo thực hiện tuyên truyền, làm mô hình điểm về BVMT. Thực thi các quy định của pháp luật về hành vi vi phạm ảnh hưởng đến môi trường sống.

Ngoài ra, cần có cơ chế từ trên xuống về việc hạn chế sản xuất đồ nhựa sử dụng một lần, phân loại rác từ đầu nguồn. Cần có chính sách hỗ trợ để thu hút các công ty trong và ngoài nước tham gia xử lý rác và BVMT. Chính phủ có chính sách giảm thuế, tín dụng ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh những vật liệu thân thiện với môi trường…

Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường - 2

Mục sư Trần Thanh Truyện, Giáo hội cơ đốc Phục Lâm.

Trong khi đó, báo cáo phiên thảo luận tại Hội trường 2 do Bộ TN&MT chủ trì với chủ đề “Tôn giáo với công tác ứng phó biến đổi khí hậu”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Ban Quản trị Minh Lý Đạo - Tam Tông Miếu cho biết, BĐKH đang là vấn đề toàn cầu. Ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của mỗi quốc gia, dân tộc, cộng đồng và mỗi cá nhân.

“Chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ, mạnh mẽ và quyết liệt vì sự phát triển bền vững của thế hệ hiện tại và mai sau. Trong đó, vai trò của các tổ chức tôn giáo là cực kỳ quan trọng. Dưới sự tập hợp của MTTQ Việt Nam và hỗ trợ của Bộ TM&MT, các tổ chức tôn giáo bằng giáo lý , giáo luật và điều kiện cụ thể của địa phương để đưa ra nhiều hoạt động phù hợp trong BVMT và ứng phó với BĐKH”, bà Cúc nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận này, nhiều mô hình hay trong việc BVMT cũng được các đại biểu nêu lên để cùng nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành và địa phương khác trên cả nước như mô hình “Ngày chủ nhật xanh” tại Thừa Thiên - Huế; Câu lạc bộ xanh của Chùa Pháp Vân – Hà Nội; Mô hình nhà trú bão và trữ nước sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Sóc Trăng; Mô hình khuyến khích giáo dân phân loại rác thải của Phật giáo Hòa Hỏa.

Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường - 3

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Ban Quản trị Minh Lý Đạo - Tam Tông Miếu.

Theo bà Cúc, nhiều ý kiến gợi mở, đề xuất cũng được các đại biểu đề cập như: Đề nghị MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT và các tổ chức tôn giáo duy trì thường xuyên và liên tục các hoạt động trao đổi giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo để cùng BVMT, ứng phó với BĐKH, chú ý vai trò của thanh niên và trẻ em.

Nghiên cứu, xây dựng đề án để phát động sáng kiến “Thanh niên với tôn giáo và phong trào chủ nhật xanh” trong phạm vi toàn quốc, có sáng tạo theo từng địa phương. Đồng thời đưa môn giảng đạo đức trong BVMT và ứng phó với BĐKH thành một môn học, trước hết là tại hai trường Đại học thuộc Bộ TN&MT…

Báo cáo phiên thảo luận tại Hội trường 3 do Tổ chức NCA Việt Nam chủ trì với chủ đề “Đáp ứng bền vững và hiệu quả của tôn giáo Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng Ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesu Kytô (Tôn giáo Mặc Môn) cho biết, tại phiên thảo luận các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp về BVMT như: tác hại của việc sử dụng túi nilon; trong đó nhấn mạnh đến việc gắn vấn đề đạo đức với việc BVMT, bởi vì tâm sạch thì môi trường sạch. Do đó, việc giáo dục về BVMT là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay.

Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường - 4

Ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng Ban đại diện Tôn giáo Mặc Môn.

Kết luận tại phiên bế mạc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, hội nghị đã thành công về mọi mặt từ chuẩn bị cẩn thận và chi tiết, trang trí một cách sáng tạo liên quan đến chủ đề hội nghị, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, đặc biệt là các bài tham luận, các ý kiến đóng góp của các đại biểu cực kỳ tâm huyết.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: “Tất cả các nội dung thảo luận đã phản ánh rõ hơn những nội dung sơ kết 4 năm trước đó, có giá trị rất tốt không chỉ hiện tại mà còn lâu dài. Qua hội nghị đã nêu lên nhiều giải pháp, các mô hình điểm phù hợp của các tổ chức tôn giáo và cần được nhân rộng, lan tỏa.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu các giải pháp và tổng hợp, báo cáo lên Bộ Chính trị cùng các cơ quan nhà nước. Mong rằng tương lai gần 100% các tổ chức, các tín đồ tôn giáo đều tham gia chương trình phối hợp BVMT và ứng phó với BĐKH, đây là đối tượng đóng vai trò quan trọng, góp phần lan tỏa công tác BVMT, ứng phó với BĐKH trên toàn quốc. Mong rằng các tổ chức tôn giáo sẽ góp phần phát triển đất nước Việt Nam xanh, bền vững trong tương lai...”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO