Các trường ĐH,CĐ: Đổi mới để phát triển

Phương Linh 21/09/2016 14:05

Trong phương hướng nhiệm vụ năm học mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra, đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho xã hội và thí sinh đăng ký dự thi, các trường ĐH, CĐ đã có những chiến lược, nội dung đổi mới giáo dục đào tạo trong định hướng phát triển của nhà trường.

Ảnh minh họa.

Đảm bảo chuẩn đầu ra

Theo ông Bùi Đức Triệu- Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Trường đã thường xuyên thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo, để sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu. Xét về mặt chương trình, nhà trường đã có một xuất phát từ rất sớm là chương trình POHE.

Đây là chương trình của Bộ GD&ĐT, ứng dụng trong một số trường ĐH ở Việt Nam. ĐH Kinh tế quốc dân đã thực hiện được 7 năm. Về bản chất, chương trình định hướng ứng dụng, nghĩa là ra trường làm được việc ngay… Với chương trình này, các em được thực tập ngay từ năm đầu tiên, và đã nhận được những phản hồi sơ bộ tích cực. Các em ra trường có việc làm rất cao, vì trong quá trình học được tăng cường tiếng Anh và thực hành.

Tương tự, ông Đàm Văn Hường- Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và Du lịch, khẳng định: Trường thường xuyên quan tâm đổi mới, cập nhật nhu cầu xã hội, doanh nghiệp, hướng tới gắn kết sinh viên với doanh nghiệp để đảm bảo tốt hơn đầu ra cho các em.

Hàng năm nhà trường đều mời doanh nghiệp đóng góp cho chương trình đào tạo, đóng góp đánh giá sinh viên ra trường, tiếp cận công việc đến đâu. Trong quá trình tiếp cận những kỹ năng mềm còn thiếu nhà trường sẽ tiếp tục bổ sung. Chẳng hạn như bổ sung các kỹ năng mềm, ngoại ngữ. Qua quá trình khảo sát của nhà trường và từ đánh giá của doanh nghiệp, nhìn chung ngoại ngữ của sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…

Tuy nhiên, trong phương hướng nâng cao chất lượng, các trường ĐH cũng cho rằng phải đặc biệt chú ý đến công tác truyền thông, để sinh viên nắm được quyền lợi của mình. Theo ông Bùi Đức Triệu, đây là điểm mà ĐH Kinh tế quốc dân cần phải rút kinh nghiệm.

“Ngay bây giờ và những năm tới cần chú trọng và làm bài bản hơn để thông tin đến được với thí sinh và xã hội đầy đủ. Nếu không làm truyền thông tốt sẽ thiệt cả cho trường và cho cả sinh viên. Nhiều khi có những chương trình rất hay, rất thiết thực mà lại không đến được với các em”- ông Triệu nói.

Tăng cường kỹ năng cho sinh viên

Cũng hướng đến việc đảm bảo đầu ra cho sinh viên, nhiều trường ĐH đã không ngừng tập trung nâng cao các kỹ năng cho sinh viên, để khi ra trường các bạn có thể tự kiếm được việc làm.

Tại ĐH Thủy Lợi, ông Nguyễn Tuấn Anh- Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Trường luôn coi trọng, tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Luôn luôn rà soát, đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật những kiến thức kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu, ví dụ bổ sung môn Tin học ứng dụng, các phần mềm để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay.

Bên cạnh đó, cũng rà soát điều chỉnh chương trình học, tăng cường phần thực hành, tham quan thí nghiệm cho sinh viên, giúp sinh viên có kỹ năng tốt sau khi ra trường. Đồng thời cũng tăng cường giám sát sinh viên làm đồ án môn học, luận án tốt nghiệp giúp các em có kiến thức tốt, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trường cũng đã đẩy mạnh chuẩn đầu ra tiếng Anh, áp dụng cho khóa ra trường năm vừa rồi phải đạt tiếng Anh A2 theo khung châu Âu, tạo áp lực để các em có kỹ năng khi ra trường. Các ngành khác, trường cũng có những giải pháp khác nhau như ngành Công nghệ thông tin có mời các chuyên gia của ĐH FPT đến để giảng những bài thực hành, kỹ năng hiện nay các doanh nghiệp đang cần. Đồng thời cũng có các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ năng cho sinh viên.

Để mối quan hệ giữa doanh nghiệp với sinh viên được tốt, hàng năm trường cũng tổ chức các hội chợ việc làm, mời các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đến trao đổi với sinh viên, cung cấp yêu cầu của các doanh nghiệp, giúp sinh viên có định hướng tốt hơn cho việc học tập. Đó cũng là cách để tạo điều kiện cho các em kết nối doanh nghiệp tốt hơn sau khi ra trường…

Đồng bộ các giải pháp

Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH: Để số lượng sinh viên ra trường có việc làm cao, các trường đã tập trung nâng cao chất lượng tùy theo thế mạnh của mình. Có trường tập trung đội ngũ, có trường đầu tư thiết bị… Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả cần phải tập trung đồng bộ. Trường nào cũng phải chú trọng vào cả đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, và tập trung kết nối doanh nghiệp, nói chung là đổi mới toàn diện.

Muốn sinh viên có chất lượng tốt trước hết phải có đội ngũ giáo viên tốt, chương trình tốt, cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, công tác tuyên truyền, phối hợp với doanh nghiệp tốt. Trường dạy các ngành nghề, muốn tốt thì cũng cần các doanh nghiệp cùng hỗ trợ, cho sinh viên thực tập, giúp nâng cao kỹ năng cho sinh viên...

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa- Phụ trách Phòng Đào tạo, ĐH Công Đoàn: Bài toán nâng cao chất lượng đào tạo không phải chỉ thực hiện 1 giải pháp, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều giải pháp. Không phải giải pháp nào hơn giải pháp nào mà phải thực hiện đồng bộ. Người dạy phải nâng cao, và cơ sở vật chất cũng phải đáp ứng. Bên cạnh đó có yếu tố quan trọng là dịch vụ phục vụ cũng phải nâng cao.

Theo ông Hòa, cơ sở vật chất là phòng học, hệ thống vật liệu; dịch vụ là thái độ phục vụ… Còn các trường chú trọng vào giải pháp nào là do bản thân các trường, thấy trường mình hạn chế nhất điểm nào, xuất phát điểm nào thấp thì đẩy mạnh hơn.

Về phía nhà trường, ông Hòa cho biết đã xác định phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, thứ nhất là giáo viên, sau đó đến cơ sở vật chất, học liệu và các dịch vụ kèm theo. Dịch vụ kèm theo ở đây là giao tiếp giữa nhà trường với sinh viên, cung cấp thông tin cho sinh viên như thế nào. Và một điểm cũng quan trọng không kém, đó là đầu vào tốt thì chất lượng cũng sẽ tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các trường ĐH,CĐ: Đổi mới để phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO