Cách đánh giá về hộ nghèo phải thêm tiêu chí

Tuấn Việt 27/11/2015 14:45

“Nhận diện người nghèo đã khác trước đây. Nếu như ngày xưa hộ nghèo rất xơ xác, ăn đói thì nay đời sống nâng lên, cách đánh giá về hộ nghèo bây giờ cũng đã có thêm những tiêu chí mới” - Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo nhấn mạnh.

Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác truyền thông
về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu giảm nghèo quốc gia sau 5 năm đã đạt được mục tiêu đề ra, với tỷ lệ hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2014 còn 5,97%, cuối năm 2015 dưới 5%. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn được đặt ra khi giảm nghèo chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn cao, giảm nghèo chưa vững chắc, trong khi chính sách còn chồng chéo…

Đó là những nội dụng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, do Văn Phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) tổ chức tại Hải Phòng, sáng ngày 27/11.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc còn 14% thì đến năm 2015 còn khoảng dưới 5%. Đối với các xã nghèo thuộc diện 30a, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 28%, như vậy, sau 5 năm mục tiêu giảm nghèo quốc gia đã đạt được mục tiêu đề ra.

“Hiện nay, khu vực nghèo khó vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tôc thiểu số. Nếu nhìn tốc độ giảm nghèo trong 5 năm thì đây lại là vùng có tốc độ giảm nhanh nhất, mỗi năm khoảng 10%. Song do xuất phát điểm nghèo quá lớn, từ 80 đến 90%, do vậy, sau chương chình mục tiêu giảm nghèo, những vùng này vẫn còn khoảng 40% đến 50% hộ nghèo. Theo báo cáo, hiện nay vẫn còn 1 huyện nghèo trên 60%, 7 huyện nghèo từ 50 đến 60%”, ông Thi cho biết.

Với kết quả đạt được, Việt Nam được thế giới đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hoàn thành mục tiêu trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo.

Song nếu nhìn lại một quá trình thực hiện giảm nghèo, các nhà hoạch định chính sách đã phải thửa nhận giảm nghèo trên toàn quốc không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Đặc biệt hơn cả, hệ thống chính sách còn chồng chéo, nguồn lực đầu tư còn dài trải, trùng lắp

Chính vì vậy, tại Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020, các nhà hoạch định sẽ đưa ra các giải pháp để hạn chế những thách thức trên, gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm các chương trình mục tiêu quốc gia (từ 16 xuống còn 2 mục tiêu) để dành nguồn lực để đầu tư tập trung, đảm bảo giảm nghèo bền vững, đạt mức tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm từ 1 đến 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt, chính sách về thu nhập sẽ là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Với mức thu nhập này, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ vào khoảng 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.

“Nhận diện người nghèo đã khác trước đây. Nếu như ngày xưa hộ nghèo rất xơ xác, ăn đói thì nay đời sống nâng lên, cách đánh giá về hộ nghèo bây giờ cũng đã có thêm những tiêu chí mới. Chính vì vậy, tiếp cận đa chiều thay vì đơn chiều với các hộ nghèo, mới có cách nhìn toàn diện về người nghèo, đặc biệt khi chính sách thu nhập của người nghèo đã thay đổi”, ông Thi nhấn thêm.

Hiện nay, Tổng mức vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện Chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-20120 sẽ vào khoảng 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 4.712 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, báo giới sẽ là kênh chủ lực để đưa thông điệp giảm nghèo của Chính phủ tới người dân. Phát hiện những cá nhân, tổ chức, các điển hình tiên tiến trong giảm nghèo để phổ biến và nhân rộng. Phát hiện các sai phạm, phê phán biểu hiện không muốn thoát nghèo để nhận hỗ trợ từ nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách đánh giá về hộ nghèo phải thêm tiêu chí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO