Cách phòng, tránh rắn lục đuôi đỏ

BS. Phạm Văn Thân 10/07/2015 10:01

Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ lại xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh, tấn công người cả ban ngày lẫn ban đêm khiến nhiều người phải nhập viện. Tâm lý hoang mang lo lắng bao trùm nhiều địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Xin giới thiệu cách phòng chống rắn lục cắn.

Cách phòng, tránh rắn lục  đuôi đỏ

Rắn lục đuôi đỏ có đặc điểm gì?

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể bị tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, nọc độc di chuyển nhanh đến tim, gây rối loạn đông máu và dẫn đến tử vong.

Rắn lục đuôi đỏ có mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Chiều dài con đực khoảng 600 mm, con cái dài khoảng 810 mm; chiều dài đuôi con đực 120 mm, đuôi con cái 130 mm. Đây là loài rắn có nọc rất độc. Điểm đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ không đẻ trứng mà đẻ ra con, mỗi lứa đẻ từ 7-16 con, nên vào mùa sinh sản, số lượng rắn lục đuôi đỏ tăng lên rất nhanh. Vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Nọc độc của nhóm rắn lục gồm: Rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp gây rối loạn đông máu và xuất huyết.

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể bị tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, nọc độc di chuyển nhanh đến tim, gây rối loạn đông máu và dẫn đến tử vong.

Làm gì khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn?

Nếu một người bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân và những người xung quanh cần giữ bình tĩnh để sơ cứu đúng cách và khẩn trương nhằm giảm đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử…cho nạn nhân.

Cách làm theo các bước như sau:

Bước 1: Để nạn nhân nằm yên bất động, bởi vận động lúc này sẽ làm cho nọc độc xâm nhập nhanh vào cơ thể. Nếu trên người có đeo đồ trang sức gần vùng bị cắn thì phải nhanh tay cởi để tránh bị chèn ép, gây sưng nề.

Bước 2: Phải cố định chân hay tay bị rắn cắn bằng nẹp để tránh vận động. Không băng ép. Mục đích của sơ cứu là phải làm chậm tốc độ của nọc độc vào hệ tuần hoàn, nếu để nạn nhân vận động thì nọc độc sẽ xâm nhập vào cơ thể với tốc độ nhanh hơn, gây nguy hiểm cho nạn nhân. Sau đó sử dụng phương tiện vận chuyển an toàn nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa tiếp.

Bước 3: Trong quá trình vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế cần chú ý giữ cho nạn nhân nằm yên. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở thì cần làm hô hấp nhân tạo. Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vì truyền huyết thanh có hiệu quả nhất trong 4 giờ đầu sau khi bị rắn cắn.

Những chú ý đặc biệt: Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân tuyệt đối không rạch rộng vết thương, không đặt garô bởi những việc làm này sẽ gây chảy máu nhiều không cầm được, vết thương dễ bị hoại tử, nguy hiểm cho nạn nhân.

Không nên mất thời gian cho việc sử dụng các loại thuốc dân gian, thuốc cổ truyền, chữa bằng mẹo… vì làm như vậy không có ích lợi gì, mà chỉ mất thêm thời gian, gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Nếu đắp thuốc nam tại vết cắn dễ gây nhiễm khuẩn. Nhiều loại thuốc nam dạng uống dễ gây nguy hiểm cho nạn nhân: gây co giật (vì có chứa mã tiền) mặc dù có thể chữa được liệt, gây đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nặng, dẫn tới mất nước, mất muối, bị sốc hoặc tắc ruột vì táo bón...

Phòng tránh rắn lục đuôi đỏ cắn như thế nào?

Để phòng tránh rắn lục đuôi đỏ cắn, mọi người dân cần làm các biện pháp sau đây: - Phát quang bụi rậm quanh nơi ở, lớp học, đường đi. Dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, loại bỏ các đống gạch, đống rác, đống củi…để rắn không còn nơi trú ẩn gần nơi người ở. Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt chuột và các côn trùng, bởi đây là những con mồi yêu thích của loài rắn lục đuôi đỏ. Mọi nhà cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà, nếu có thì phải trét kín bởi đó chính là nơi mà những con rắn lục đuôi đỏ thường trú ẩn. Xung quanh nhà ở có thể trồng các loại cây: sả, sắn dây, hoa lan tỏi… để ngăn rắn lục đuôi đỏ đến gần.

Mọi người khi đi lại cần cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, thu hoạch mùa màng và ban đêm. Khi đi ra vườn, ruộng nên đi ủng, dày cao cổ và mặc quần dài, nhất là đi trong đêm tối để tránh nguy hiểm khi giẫm phải rắn. Đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ, vì rắn lục đuôi đỏ thường treo mình trên cành cây, dễ tấn công người. Nếu đi trong bóng tối, đi ban đêm cần dùng đèn pin, đèn bão… để soi đường. Khi gặp rắn, không đe doạ rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn. Không đến gần các nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách phòng, tránh rắn lục đuôi đỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO