Cải cách để hưởng lợi

Thanh Giang 29/11/2017 09:05

Ngày 28/11, Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (Mutrap) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương tổ chức hội thảo tham vấn các tác động của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế khẳng định, cơ hội từ EVFTA rất lớn vấn đề còn lại là yêu cầu nhà nước và doanh nghiệp phải tăng cường đổi mới.

Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho hay, EU luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2016, EU đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 2.142 dự án với tổng số vốn gần 44 tỷ USD.

Riêng hoạt động xuất khẩu, EU chiếm 19% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, sau Hoa Kỳ (21%) và vượt xa các thị trường khác. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi các dòng thuế quan dần dần về 0%.

Theo đó, nông sản, dệt may, da giày… là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi vào thị trường 28 nước thành viên.

Liên quan đến những tác động của EVFTA khi được ký kết và thực thi, ông Nguyễn Anh Dương - chuyên gia trong nước của Dự án EU- Mutrap cho biết, khi có hiệu lực, các phân ngành chính và một số ngành Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp bao gồm chế biến thực phẩm (cả thủy sản), gạo, rau quả, dệt may, da giày, điện tử, máy móc và thiết bị và một số phân ngành dịch vụ (thông tin, giao thông vận tải…).

Đánh giá cao cơ hội đến với từng ngành, từng lĩnh vực khi EVFTA có hiệu lực, song giới chuyên gia cũng cảnh báo về những yêu cầu khá ngặt nghèo mà EU đặt ra về xuất xứ, chất lượng, đóng gói, ghi nhãn...

Đơn cử về vấn đề xuất xứ, đối với hàng hải sản xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải đáp ứng đúng quy định kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc thủy hải sản vào thị trường EU được cảnh báo trước. Đối với mặt hàng dệt may, thuế nhập khẩu vào EU giảm từ mức trung bình 9,6% (hiện nay) về 0% theo lộ trình 7 năm.

Thế nhưng, để đạt được mức thuế giảm nêu trên sản phẩm dệt may phải đáp ứng về quy tắc xuất xứ; nghĩa là cho phép cộng gộp xuất xứ hoặc xuất xứ từ vải trở đi.

Bên cạnh những quy định khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu, EU còn có hàng loạt phương pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật.

Theo chuyên gia kinh tế, Việt Nam có lợi thế đi trước, chơi trước, thuận lợi lớn với hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương. Vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để Nhà nước và doanh nghiệp cùng cải tổ và tăng cường đổi mới.

Bàn về vấn đề này, TS Võ Trí Thành cho hay, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định chuyển đổi mô hình phát triển thông qua thiết lập nền tảng để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Việt Nam cần động lực mới cho cải cách. Sự tương tác giữa cải cách trong nước và hội nhập (TPP, RCEP, VN - EVFTA…) trở nên sâu sắc hơn.

Thành công chỉ được đảm bảo khi Việt Nam tiếp tục nhận thức được tiềm năng của con người, cải cách thể chế và tăng cường đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách để hưởng lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO