Cái điện thoại không có lỗi

Vi Cầm 03/10/2020 10:00

Hiện tại chủ đề về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp vẫn đang được bàn tán sôi nổi. Có hai luồng quan điểm đối lập rõ rệt là “có” và “không”.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cách đây hai năm, từng có những chuyện rắc rối liên quan tới cái điện thoại. Đơn cử như thí sinh đã làm xong bài thi, nhưng còn bận rà soát lại, trong khi có những bạn ra rất sớm. Thế nên phía bên ngoài phụ huynh sốt ruột liền điện thoại hỏi, tiếng chuông réo liên hồi... Vậy là thí sinh đó bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi.

Trong trường hợp này, cái điện thoại chỉ làm chức năng liên lạc, nó không hề có lỗi, chỉ là do vị phụ huynh nọ sử dụng không đúng lúc.

Bây giờ, nhờ sự phát triển của công nghệ, việc trao đổi giữa cô- trò, giáo viên- phụ huynh, và phụ huynh với nhau cũng thuận tiện hơn qua zalo, viber... Thế nên hàng ngày, phụ huynh có thể dễ dàng nắm bắt tình hình học tập, ý thức rèn luyện của con ở lớp qua kênh của giáo viên chủ nhiệm. Tôi để ý ở nhiều trường, không ít học sinh mắc lỗi do sử dụng điện thoại trong giờ học.

Qua trao đổi, các cháu chia sẻ: Tuy bị ghi sổ đầu bài vì sử dụng điện thoại trong giờ, nhưng bù lại bài kiểm tra miệng lại được điểm tốt, vì có những kiến thức nâng cao cần có Google trợ giúp. Như vậy, nếu như trước giờ kiểm tra bài cũ, cô cho phép các trò dùng điện thoại chỉ trong vòng 5 phút để tự bổ trợ kiến thức, trong trường hợp này cái điện thoại được kết nối mạng đã phát huy tốt hiệu quả.

Theo tinh thần của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT được Bộ GDĐT ban hành mới đây, từ ngày 1/11 học sinh cấp THCS và THPT được sử dụng điện thoại trong lớp học. Đã sát nút thời điểm thông tư trên có hiệu lực, nhưng hiện tại chủ đề về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp vẫn đang được bàn tán sôi nổi. Có hai luồng quan điểm đối lập rõ rệt là “có” và “không”.

Một khảo sát nhỏ ngay trong Ban phụ huynh cũng đã chi thấy đa số các bố mẹ phản đối chủ trương này. Họ lo sợ mặt trái của điện thoại di động sẽ gây ra những hậu quả xấu cho học sinh. Rằng đi học mà mang theo điện thoại là tối ngày chơi điện tử, chụp hình đưa lên mạng, rồi chụp tài liệu quay cóp, khỏi học bài... Rồi sau này phụ thuộc vào điện thoại không làm được cái gì, lại còn bị cận. Nói tóm lại là hệ lụy chưa biết chừng sẽ nhiều hơn hiệu quả.

Trước những băn khoăn từ phụ huynh, từ dư luận về mối nguy của việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đại diện Bộ GDĐT cho biết, quy định mới này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên. Do đó, việc học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học để phục vụ cho việc học tập và phải được sự đồng ý của giáo viên.

Nếu thực hiện đúng được yêu cầu của Thông tư 32, tăng trách nhiệm giám sát của giáo viên thì điện thoại thông minh sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong học tập. Bằng không, từ công cụ hỗ trợ, cái điện thoại khi sử dụng không đúng mục đích sẽ trở thành mối lo. Thậm chí là nguy cơ khi học trò ỷ lại, học tập kiểu “mì ăn liền”, kiến thức chỉ để phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn, đối phó trong chốc lát mà không ghi tâm khắc cốt…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái điện thoại không có lỗi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO