Cải thiện cần thực chất

An Bình 10/01/2020 07:00

Dù Chính phủ đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, với nhiều động thái trong việc loại bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… song, thực tế, cộng đồng DN vẫn phải đối diện với cả “rừng” giấy phép con. Trong khi chưa dẹp được rừng giấy phép con, thì tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật vẫn tiếp tục tạo ra những rào cản lớn cho cộng đồng DN. Đáng chú ý, không chỉ cấp bộ ngành mà cấp vụ, cục cũng lạm dụng ban hành giấy phép con.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phải lên tiếng, khi ông nêu lên một ví dụ cụ thể về một văn bản của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành nhưng cả nước phải theo. “Vậy thẩm quyền ai ban hành cái này? Ta phải xác định rõ thẩm quyền, không phải một lãnh đạo của cục, vụ ban hành văn bản mà cả nước phải thực hiện” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Không phủ nhận, thời gian qua, điều kiện kinh doanh đã giảm nhiều, giấy phép con cũng được loại bỏ bớt. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến năm 2019 vẫn có tới 55% DN vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công chức; một bộ phận lớn DN vẫn phải bôi trơn, với chi phí chiếm tới 10% tổng doanh thu. Có tới 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu… Điều đó cho thấy, DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn rất nặng gánh.

Nhằm gỡ bỏ những rào cản này, ngay đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Dư luận kỳ vọng, động thái này của Chính phủ sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện một cách thực chất để thúc đẩy DN ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải thiện cần thực chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO