Cân bằng tâm lý cho học sinh

Dung Hòa 21/10/2021 06:54

Hiện, nhiều địa phương vùng có dịch Covid-19 đang chuẩn bị ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên… để tiến tới từng bước mở cửa trường học.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài học trực tuyến, khi chuyển sang học trực tiếp, nếu việc bù đắp kiến thức quá nhanh, rất có thể thầy trò sẽ lại rơi vào trạng thái áp lực và quá tải…

Trên thực tế, việc củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh đang được các nhà trường đặc biệt quan tâm khi chuyển sang học trực tiếp, vì điều này còn liên quan tới kế hoạch của năm học, thời gian kết thúc năm học.

Mong con được trở lại trường học, nhưng tâm tư của phụ huynh đều có chung một điểm giống nhau là làm sao đảm bảo được môi trường học thật an toàn. Tiếp đó, các nhà trường cần cân bằng giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp. Để bù đắp kiến thức cho các em, trước khi học trực tiếp chính thức, các trường cần có khảo sát kiến thức cho từng em học sinh, qua đó mới có đánh giá một cách tổng thể về hiệu quả dạy học trực tuyến đến đâu.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, người lớn cần quan tâm tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi các em quay trở lại trường học. Theo cô Đỗ Thị Trang, Trưởng phòng Tham vấn học đường Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), trong thời gian học trực tuyến, học sinh gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Tình trạng xâm hại bạo lực trên mạng khi học sinh học trực tuyến, bị bắt nạt, cô lập trên mạng, bị gửi web đen,... là những biểu hiện nặng nề phải mất nhiều thời gian để chữa lành vết thương tâm lý. Đơn cử, như việc học sinh phải chứng kiến bạo lực tinh thần từ cha mẹ, trường hợp này tăng 13% sau khi có dịch. Thêm vào đó, một số học sinh bị rối loạn tâm thần do lo âu với môi trường bên ngoài không an toàn, cuộc sống bị đảo lộn, đặc biệt ghi nhận ở học sinh sống tại các “vùng đỏ”, học sinh mắc Covid-19, thường xuyên phải đi làm xét nghiệm…

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Để giúp học sinh vượt qua những vướng mắc về tâm lý trong thời gian nghỉ học dài ngày, cần sự chung tay và đồng hành của các bậc phụ huynh với thầy cô giáo. Với những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, giáo viên, phụ huynh cần có nhận thức đúng đắn câu chuyện này; gọi tên cảm xúc, tìm hiểu bản chất của trẻ để thải độc cảm xúc thay vì phán xét, đổ lỗi. Phụ huynh và con cần dành thời gian cho nhau để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; trường ĐH, CĐ sư phạm... về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh vấn đề tâm lý. Theo đó các cơ sở giáo dục cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh khi gặp những vấn đề về tâm lý, an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân bằng tâm lý cho học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO