Căn bệnh thời đại?

Thu Hường 16/12/2018 09:00

Báo cáo Sức khỏe vị thành niên thế giới 2014 nêu trầm cảm là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tật và tàn tật ở độ tuổi vị thành niên (10-19 tuổi), quá nửa các rối loạn tâm thần xuất hiện trước tuổi 14 nhưng thường bị bỏ sót.

Theo Viện hàn lâm Tâm thần nhi khoa Mỹ, khoảng 2% trẻ nhỏ và 4-8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm, nghĩa là khoảng 6-10% trẻ em nói chung mắc chứng bệnh này. Trung bình cứ 10 trẻ thì có một bị trầm cảm khi lên 16 tuổi.

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của BV Tâm thần ban ngày (Hà Nội) với trên 1.200 học sinh ở Hà Nội (bậc tiểu học và THCS), có gần 19,4% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần chung, trong số các ca tự sát có 10% ở lứa tuổi từ 10 đến 17, nguyên nhân chủ yếu là do học hành. Theo đó, bức xúc tìm đến cái chết là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người trẻ tuổi, chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Đây thực sự là hiện tượng đáng báo động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh mắc chứng trầm cảm. Nhưng nguyên nhân chính qua “lời để lại” (thư tuyệt mệnh) là do áp lực học hành, thầy không hiểu trò, có lời xúc phạm trò, kỳ vọng của cha mẹ. Khi đã mắc triệu chứng căn bệnh này, các em thường tự giải quyết mà cha mẹ không hề biết rằng con mình mắc bệnh.

Theo các chuyên gia y tế và giáo dục, ở độ tuổi học sinh, do những thay đổi về hormone tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì khiến khả năng kiềm chế tâm lý của các em rất kém. Trầm cảm ở trẻ em bao gồm các rối loạn cảm xúc như loạn khí sắc, trầm cảm điển hình hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực, có biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ, dễ bị tổn thương, tinh thần căng thẳng, dễ tức giận, nổi nóng và không hứng thú với việc học hành.

Đánh giá về hiện tượng ngày càng nhiều học sinh tìm đến cái chết để giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học đưa ra câu hỏi: Phải chăng các em đã không được trang bị tâm thế cần thiết trong cuộc sống, nên khi gặp vấn đề khó khăn, trẻ cảm giác không ai hiểu và coi trọng mình? Từ đó ông cho rằng ở giai đoạn dậy thì, trẻ thường rất nhạy cảm, mong manh trong tâm hồn và cách nghĩ nên khi có những rắc rối dù rất nhỏ cũng dễ dàng suy sụp.

Còn theo ThS. Lê Thị Phi, trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) hiện nay, học sinh đang đối diện với rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống hằng ngày như: Bạo lực học đường, vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, bố mẹ, áp lực học tập cùng với những kỳ vọng của cha mẹ, của xã hội đối với các em...

Trong khi đó, lứa tuổi học sinh là giai đoạn của quá trình hình thành và phát triển mạnh mẽ về nhân cách, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, năng lực giải quyết vấn đề khó khăn còn hạn chế, nên trước áp lực nhiều mặt của cuộc sống dễ gây cho các em trầm cảm.

Do vậy, trong giai đoạn này rất cần sự quan tâm của gia đình, bạn bè và nhà trường để có thể động viên, tham gia gỡ rối giúp các em vượt qua những áp lực từ cuộc sống hằng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn bệnh thời đại?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO