Cần câu và con cá

Hoàng Mai 01/03/2016 14:05

Mới đây, theo Quyết định 306/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành; kể từ ngày 15/3, mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 50 triệu đồng thay vì được vay tối đa 30 triệu đồng như hiện nay. Cũng tại Quyết định này, Chính phủ có “mở ngoặc” về việc, mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng và giao Ngân hàng Chính sách xã hội, căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu

Cần câu và con cá

Một trăm triệu đồng với nhiều người; đặc biệt với những người kinh doanh thành công thì không phải là con số lớn nhưng với những người kinh doanh, sản xuất nhỏ ở các vùng quê thuộc diện khó khăn; chẳng hạn như ở 62 huyện nghèo của cả nước thì đây là con số đáng kể. Bởi, cái khó nhiều khi muốn “ló” cái khôn thì cũng cần có thủ tục đầu tiên và quan trọng đó là kinh phí.

Ngay trước đó, Ngân hàng CSXH cũng đã có nhiều chương trình tín dụng dành cho đồng bào vùng gặp thiên tai; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế và có cả những chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, chuẩn nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tất cả những việc làm ấy, chính sách ấy đều thể hiện sự ưu việt về chính sách xã hội của chúng ta; thể hiện sự chăm lo đến đời sống nhân dân đặc biệt là đời sống nhân dân ở những vùng khó khăn nhất của đất nước. Và, nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII thì, “giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một mục tiêu của phát triển bền vững được nhân dân ta và cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.” và “Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm 2016 gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn khoảng 28%. Nhìn lại 20 năm qua, nước ta đã có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là một thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhưng cũng với thực tế của Việt Nam, có một thực tế mà nhiều chuyên gia đã thẳng thắn đề cập trong công tác giảm nghèo, tức là giảm dễ, giữ khó. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nghèo bền vững là điều không hề dễ dàng. Theo thống kê của nhiều địa phương, số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới trong nhiều năm có thể chiếm đến 1/3 số hộ thoát nghèo. Điều đó cho thấy rõ ràng, hiệu quả của chính sách là lớn nhưng chưa thực sự bền vững.

Trở lại với việc hỗ trợ bằng cách tăng vốn vay trong chính sách mới đây của Chính phủ đối với các hộ kinh doanh ở những vùng khó khăn, có thể hiểu, Chính phủ đang nỗ lực để giúp nhiều hộ kinh doanh chưa đủ vốn có thể câu được con cá lớn hơn. Đây là một chính sách mang ý nghĩa cao về an sinh xã hội; nhưng từ đây, có lẽ cũng cần đặt thêm một vấn đề: Các hộ kinh doanh ở những vùng khó khăn có lẽ chưa phải là tất cả; mà chắc chắn còn cả những hộ nghèo; hộ cận nghèo vừa mới thoát nghèo và đang “chông chênh” có thể rơi trở về mức tái nghèo khi không còn nhận được các hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ sẽ phải làm sao?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng từng có lần nêu quan điểm: “Phải xóa dần chính sách cho không các mặt hàng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đồng thời ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn như huyện, xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có như thế người dân mới hết tâm lý ỷ lại để tự vươn lên thoát nghèo. Không nguồn lực hỗ trợ nào bằng chính ý thức, nội lực tự thoát nghèo của mỗi hộ nghèo”. Quan điểm ấy hoàn toàn đúng, tức là, tìm cách giúp bà con tự “câu cá” chứ không phải cho “con cá”.

Thế nhưng, với những vùng xa xôi, hẻo lánh; những nơi mà tập quán vẫn còn là cái gì đó nặng nề đối với bà con, việc hỗ trợ ít vốn để làm ăn đã tốt nhưng có lẽ tốt hơn cả là chính quyền cần xắn tay cùng bà con nghiên cứu, thậm chí hướng dẫn bà con làm ăn dựa trên những thế mạnh của địa phương. Như thế sẽ đạt cả hai mục tiêu, bà con thì thoát nghèo; còn Nhà nước thì bảo toàn vốn vay và tiến tới có thể quay vòng đồng vốn ấy để những hộ nghèo khác có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Nói cách khác, tức là, khi xét một hồ sơ vay vốn cũng rất cần những cán bộ tín dụng gần dân, sát dân để giúp bà con đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, “lãi mẹ đẻ lãi con”, đem lại hiệu quả cao nhất có thể cho cả đôi bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần câu và con cá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO