Cần chính sách thông thoáng cho nạn nhân chất độc da cam

D.Yến - N.Phượng (thực hiện) 12/08/2015 00:25

Trong cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam là 1 trong 7 đối tượng được rà soát. Chính từ cuộc rà soát này, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), nạn nhân da cam là đối tượng còn nhiều vướng mắc nhất. Nhà nước cần có chính sách thông thoáng hơn, đơn giản hơn để nạn nhân da cam sớm được hưởng những quyền lợi cần có.

Ông Nguyễn Văn Rinh.

Thế hệ thứ 3 chưa được nhận hỗ trợ

PV: Những năm qua, dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm nhưng chắc chắn “nỗi đau da cam” vẫn là một cụm từ ám ảnh lâu dài tới nhiều thế hệ người Việt, bởi vẫn còn nhiều nạn nhân và gia đình nạn nhân đang rất cần sự giúp đỡ, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Rinh: Theo số liệu công bố, khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và 3 triệu người là nạn nhân. Tính đến nay, hàng trăm nghìn người đã qua đời và hàng trăm nghìn người đang mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống hàng ngày đang chịu nhiều đau khổ. Di họa lớn nhất đối với con người là dị dạng, dị tật bẩm sinh, nhiều người đã chết, nhiều gia đình không còn nòi giống; thế hệ nạn nhân da cam thứ 2 còn hàng trăm nghìn người đang sống cuộc đời đau khổ, phần lớn trong số họ không thể tự chăm sóc bản thân.

Hiện nay, chúng ta đã phát hiện thế thệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam với số lượng hàng chục nghìn người và nguồn sống của nạn nhân là dựa vào sự giúp đỡ của cộng đồng và sự trợ giúp của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ mới đang trợ giúp thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ 2, còn thế hệ thứ 3 chưa nhận được sự trợ cấp.

Địa phương nào có nhiều nạn nhân nhiễm chất độc da cam nhất, thưa ông?

- Chất độc da cam đã khiến hàng vạn phụ nữ không có cơ hội làm mẹ, sinh ra những đứa con dị tật, những đứa con không được quyền làm người vì vừa lọt lòng mẹ hoặc vừa sinh ra một thời gian ngắn rồi qua đời.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều tỉnh có tỷ lệ người nhiễm da cam khá cao, điển hình như tỉnh Thái Bình có hơn 30.000 người, Hà Nội trên 54.000 người, Thanh Hóa hơn 23.000 người, Quảng Trị hơn 20.000 người. Đây là những tỉnh có tỷ lệ người nhiễm chất độc da cam nhiều nhất và có gia đình có tới 3 thế hệ gồm: bố, con và cháu đều bị nhiễm. Thậm chí có gia đình có tới 4 thế hệ cùng nhiễm.

Hàng trăm ngàn người chưa được hưởng chính sách

Trong thời gian qua VAVA và các địa phương đã đồng hành và chia sẻ với những nỗi đau này như thế nào, thưa ông?

- Để hỗ trợ nạn nhân da cam, trong những năm qua VAVA đã vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay, góp sức để giúp đỡ nạn nhân da cam như sửa nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng cho con cháu nạn nhân, giúp khám chữa bệnh và tặng quà các ngày lễ, tết.

Trong 10 năm qua, chúng tôi đã vận động được khoảng gần 1000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nạn nhân và có khoảng 60.000 người hưởng lợi từ đó. Hội cũng đã xây dựng được 26 Trung tâm nuôi dưỡng bán trú tại địa phương và đang triển khai xây dựng Trung tâm phía Bắc tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội để nuôi dưỡng nạn nhân là những người già và các con cháu người nhiễm da cam khi họ không nơi nương tựa.

Cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đang bước vào chặng “nước rút” của giai đoạn 2. Trong đó người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 1 trong 7 đối tượng của cuộc Tổng rà soát. Vậy theo ông, khó khăn, vướng mắc nhất đối với nạn nhân da cam trong cuộc tổng rà soát này là gì?

- Có thể nói trong 7 đối tượng thì đối tượng thứ 7 là nạn nhân da cam còn nhiều vấn đề vướng mắc. Hiện cả nước mới có hơn 200.000 nạn nhân da cam được hưởng chế độ, chính sách còn lại hàng trăm ngàn người khác chưa được hưởng vì đang gặp khó khăn về thủ tục xét duyệt, đặc biệt là những người ở vùng sâu, xa thiếu thông tin chưa tiếp cận được chính sách.

Đa phần những người chưa được hưởng là những người nghèo, người già yếu nên không có tiền chi phí cho các thủ tục. Thông qua cuộc Tổng rà soát lần này, chúng tôi thấy rằng, để đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân da cam, Nhà nước cần phải có chính sách thông thoáng hơn, đơn giản hơn để những nạn nhân da cam sớm được hưởng những quyền lợi cần có.

Quyết tâm đòi lại công lý

Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nhưng “cuộc chiến” với nỗi đau da cam vẫn còn đó. Cho đến thời điểm này, hành trình đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tiến hành tới đâu, thưa ông?

- Hiện nay, Chính phủ Mỹ cũng đã có kế hoạch xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cũng đã có viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật Việt Nam. Từ 2009 đến nay, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam được khoảng 20 triệu USD. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa nhận hết trách nhiệm của mình và đặc biệt các công ty hóa chất của Mỹ vẫn đang tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, chưa thực hiện đền bù cho nạn nhân da cam Việt Nam một cách xứng đáng.

Thực tế, công ty hóa chất Mỹ đã đền bù cho quân nhân tham gia chiến tranh Việt Nam bị nhiễm chất độc hóa học và ngay cả Chính phủ Mỹ cũng đền bù cho quân nhân Mỹ nhưng đối với Việt Nam thì họ vẫn cố tình lẩn tránh hậu quả. Nhưng cho dù khó khăn đến mấy thì những nạn nhân da cam của Việt Nam sẽ quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Được biết, mới đây bà Trần Tố Nga, Việt kiều tại Pháp đã khởi kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ. VAVA đã đồng hành như thế nào trong vụ kiện của bà Nga?

- Bà Trần Tố Nga là người Việt quốc tịch Pháp. Trước đây bà Nga là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Bà Nga bị phơi nhiễm chất độc da cam ở đó và bà đã sinh ra 3 người con đều bị dị tật. Bà mắc bệnh và sang Pháp chữa bệnh. Trong quá trình chữa bệnh bà Nga được Chính phủ Pháp cho nhập quốc tịch Pháp và được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương.

Từ năm 2009, bà Nga đã ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức tại Pháp. Từ đó, bà suy nghĩ làm gì để ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam. Năm 2014, bà đệ đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ tới Tòa Đại hình, thành phố Evry (Cộng hòa Pháp). Vụ kiện đã được tòa án Pháp thụ lý hồ sơ.

Đến nay, qua 2 lần phiên tòa mở ra đã có 18 - 19 công ty hóa chất Mỹ phải ra tòa diện kiến nhưng họ vẫn không chịu trách nhiệm về hậu qủa da cam. Nhưng vụ kiện đã được công luận thế giới ủng hộ. Đặc biệt những người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Pháp đã vận động quyên góp ủng hộ về tiền bạc để bà Nga tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Về phía Việt Nam, VAVA đã công bố Thư ngỏ ủng hộ vụ kiện của bà Nga; nhiều địa phương đã phát động phong trào ủng hộ bà Nga về tinh thần, vật chất. Chúng tôi đã ủng hộ bà Nga 25 ngàn Euro. Tỉnh Sóc Trăng vận động được gần 5 ngàn Euro, TP. Hồ Chí Minh vận động được gần 10.000 USD.

Kỳ vọng của cá nhân ông, bao nhiêu năm nữa, “nỗi đau da cam” mới được coi là giải quyết xong?

- Nói về khoa học, khẳng định chất độc da cam dioxin là chất độc hại, gây ra những thảm họa nặng nề về môi trường, sức khỏe con người. Thực tế ở Việt Nam đã phát hiện đến thế hệ thứ 3 bị nhiễm da cam.

Theo các nhà khoa học ở Việt Nam và thế giới, tác động của chất độc da cam đối với sức khỏe con người có thể là hàng trăm năm sau và chúng ta không thể khắc phục nó trong một sớm, một chiều.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần chính sách thông thoáng cho nạn nhân chất độc da cam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO