Cần cơ chế chặn 'lạm quyền'

Mai Loan 19/10/2017 10:10

"Quyền lực giao cho người không có đạo đức thì không khác gì thả con thú hoang vào thế giới"- Ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

1. Ngày 4/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định mới ra đời nhưng đã nhận được nhiều sự đồng tình của giới chuyên gia và đông đảo tầng lớp nhân dân. Theo các chuyên gia, đây là một bước cụ thể hóa về tiêu chuẩn cán bộ mà Đảng ta đã đưa ra cách nay 20 năm. Điều đó cũng cho thấy, từ lâu, Đảng đã nhận thức rõ sự cần thiết phải có quy chuẩn trong công tác cán bộ để củng cố đội ngũ và nhìn xa hơn thì ngay từ lúc đó, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ nằm trong tổng thể công tác xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh.

Nói như PGS TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng thì, “quy định được đưa ra vào thời điểm Đảng ta đang khẩn trương khắc phục những khuyết điểm xuất hiện thời gian qua, khi nhiều giá trị bị lạm dụng, khiến dư luận bức xúc.”

Trở lại với Quy định 90 được nêu ở trên, ngay ở phần tiêu chuẩn chung, chưa nói đến vấn đề tư tưởng, chính trị; chỉ nói đến vấn đề đạo đức lối sống, Quy định đã nêu rõ, cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao, cần: “Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.”

Sự thực thì, những bức xúc thời gian qua của cán bộ và nhân dân; sự mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng phần lớn đều xuất phát từ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ đảng viên giữ vị trí lãnh đạo đã thoái hóa, biến chất; tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền; thiếu trách nhiệm.

Và, việc quy chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao chính ra sẽ tạo điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên một cách dễ dàng hơn. Mặt khác, nó cũng giúp Đảng công khai, minh bạch quá trình bổ nhiệm cán bộ, đánh giá cán bộ nhất là những cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược của Đảng, vì sự nghiệp phát triển đất nước.

Mà đã là cán bộ; là đầy tớ của dân thì không thể “vinh thân phì gia”, không lo phục vụ dân- PGS TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định.

2. Những quy định này sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo trong các khóa tới. Theo như nhận xét của PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, tuy chưa thể đưa ra một cách đầy đủ và chi tiết hết các quy định nhưng một số quy định cứng và rất cần thiết đã được “chỉ tên”. Điểm đặc biệt trong quy định này đó là, “cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.

Còn, nói như PGS TS Nguyễn Mạnh Hà thì, thêm một lần nữa Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của mình để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp, lấy lại niềm tin của người dân. Quyết tâm ấy cho thấy, bên cạnh hành động có cả quy định, chủ trương cụ thể, nói đi đôi với làm.

Theo như phân tích của ông Hà thì tham vọng quyền lực có nhiều tầng nấc, chẳng hạn như: Giấu diếm khuyết điểm của mình; kê khai thiếu trung thực; bất chấp mọi nguyên tắc, quy tắc, khiếm khuyết để tô hồng, tung hô cho một con người, giúp họ lọt qua được tất cả các bước trong quy trình, làm cho việc bố trí cán bộ không đúng gây nguy hại cho đất nước, cho dân tộc.

Thực ra, đã có những bài học sâu sắc thời gian qua mà câu chuyện của Trịnh Xuân Thanh và con đường quan lộ của ông này là một ví dụ. Và, trong phiên họp gần nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi Ủy ban này điểm danh một loạt sai phạm của các cá nhân giữ những vị trí quan trọng ở địa phương, hoặc ban ngành đã cho thấy rất rõ, các sai phạm của những cá nhân được nhắc đến trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra ít nhiều đều mắc phải một hay một hệ thống lỗi trong số những quy chuẩn nhằm đánh giá cán bộ theo quy định 90.

3. Thời gian gần đây, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng điểm danh. Nhiều cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý rơi vào tầm ngắm. Nhiều người bị kỷ luật ở mức cảnh cáo. Một số cán bộ rơi vào vòng lao lý. Thực ra, đó là một nỗi đau; nhưng nếu không cắt bỏ “khối u” trên một cơ thể khỏe mạnh thì việc nó “di căn” sẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều. Chúng ta không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí của mình nhưng “kỷ luật một người để cứu muôn người”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói như vậy.

Trong thực tế cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, rõ ràng, những mối quan hệ lợi ích chằng chịt đã dẫn đến những sai phạm mang tính dây chuyền. Vì thế, với một vụ việc, Đảng không chỉ mất đi một cán bộ; mà còn hơn cả thế. Đau là vậy nhưng nếu không làm quyết liệt thì chuyện sai lầm mang tính dây chuyền sẽ có thể khiến cho danh sách đảng viên vi phạm ngày càng dài hơn. Đấu tranh chống tham nhũng chính là đấu tranh chống thói hư tật xấu góp phần làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Nhưng để tiếp tục xây dựng đội ngũ thì cần lượng hóa không chỉ tiêu chuẩn của đảng viên mà còn cả tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ. Đã quy chuẩn hóa thì sẽ cần quy chuẩn từ cao tới thấp.

Trong một lần trao đổi với Đại Đoàn kết về công tác xây dựng Đảng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Nhị Lê đã nói nhiều đến việc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lần đầu tiên được đề cập.

Kể từ khi ra đời bộ tiêu chí tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đến khi ra đời Quy định 90, chúng ta đã có một bước tiến khi vượt qua những tập quán vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người để đi đến bước nói thẳng, nói thật và chỉ rõ những biểu hiện xấu một cách có định lượng trong đánh giá đảng viên.

“Nếu chúng ta không làm tốt 2 quyết sách của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII thì không ai dám chắc vị thế uy tín của Đảng được bảo đảm đến đâu? Và năng lực, uy tín của Đảng trước vận mệnh dân tộc, đến một mức độ nào đó sẽ hết sức nguy hiểm. Sự suy thoái đến độ nào đó thì Đảng không chỉ khó giữ được vị thế là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; mà nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là khó có thể là đứa con nòi của nhân dân lao động, kể cả về mặt đạo lý cũng như pháp lý. Mà sự tiêu vong về đạo lý sẽ dẫn đến sự tiêu vong về pháp lý”- nhà báo nói.

Có thể nói không quá, từ bước đi lượng hóa cách đánh giá đảng viên ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến thêm một bước dài hơn khi đưa ra Quy định 90. Và để có thể quản lý cán bộ, đảng viên các cấp nói chung trong đó có cán bộ cấp cao, có lẽ, sau việc chỉ ra 27 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; sau Quy định 90 nếu chúng ta có một cơ chế rõ ràng, minh bạch để kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ nhất sẽ góp phần giảm thiểu sự vi phạm của cán bộ đảng viên giữ vị trí lãnh đạo tốt hơn nữa.

Bởi, “Quyền lực giao cho người không có đạo đức thì không khác gì thả con thú hoang vào thế giới. Ở một Đảng cầm quyền sự say mê quyền lực mà quyền lực không có đạo đức thì nó nguy hiểm đến mức nào?”, ông Nhị Lê băn khoăn.

Về lý, kiểm soát quyền lực là điều phải làm, cần làm nhưng kiểm soát sao cho hiệu quả. Có lẽ, dư luận sẽ chờ đợi thêm một cơ chế kiểm soát quyền lực như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cơ chế chặn 'lạm quyền'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO