Cần cơ quan chuyên trách giải quyết tranh chấp lao động

Khanh Lê 28/01/2019 08:00

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện các vấn đề phức tạp thường diễn ra ở tranh chấp lao động cá nhân và giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Theo đó, về tranh chấp lao động cá nhân, số lượng các vụ được xử lý bởi các hòa giải viên trung bình chỉ đạt 3 - 4 vụ mỗi năm. Số vụ được hòa giải thành chiếm tỷ lệ 60%, số vụ hòa giải không thành chiếm tỷ lệ 40%.

Theo báo cáo về “Hoàn thiện hệ thống giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam” của Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ LĐTBXH, hiện nay, các vụ tranh chấp lao động mà tòa án thụ lý đều là các tranh chấp lao động cá nhân. Theo báo cáo của tòa án, trong 5 năm (2012-2016) tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 24.854 vụ tranh chấp lao động (trong đó tranh chấp lao động đưa ra tòa án giải quyết vẫn tập trung chủ yếu ở địa bàn trọng điểm về kinh tế, công nghiệp, dịch vụ phát triển như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng…).

Điều đáng nói là trong số vụ tranh chấp thì tranh chấp về bảo hiểm xã hội chiếm 43%; số vụ tranh chấp về xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại chiếm 19%; Số vụ tranh chấp liên quan đến việc làm, tiền lương chiếm 21% tổng số các vụ việc được thụ lý.

Về giải quyết tranh chấp lao động tập thể, thì các vụ giải quyết tranh chấp lao động có liên quan đến tập thể lao động được đưa ra giải quyết tại tòa án tỷ lệ rất thấp. Trong những năm qua, tranh chấp về thực hiện thỏa ước lao động tập thể và tranh chấp về quyền thành lập, gia nhập hoạt động công đoàn là rất nhỏ, chỉ có 09 vụ việc/24.854 vụ việc được thụ lý giải quyết tại cấp sơ thẩm, chiếm tỷ lệ 0,04%.

Theo ông Lê Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTBXH, hiện nay hầu hết các địa phương đều đã bổ nhiệm hòa giải viên (HGV) lao động và thành lập hội đồng trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp lao động. Xét về tổng thể, mô hình này phù hợp với bối cảnh không làm phát sinh thêm biên chế, bộ máy, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất. Thế nhưng, hện hoạt động hòa giải tranh chấp lao động của hòa giải viên chỉ mới tập trung vào giải quyết các vụ tranh chấp lao động cá nhân và số vụ tham gia giải quyết cũng rất thấp, bình quân 60-70 vụ/năm ông Thành cho biết.

Từ thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về thủ tục hòa giải bắt buộc trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân hay tập thể hiện nay rất cứng nhắc, gây khó không chỉ cho các bên trong quan hệ lao động mà còn cho cả cơ quan hòa giải. “Rất ít vụ tranh chấp lao động tập thể được giải quyết thông qua hòa giải như quy định. Do vậy, Bộ Luật Lao động nên sửa theo hướng không quy định hòa giải là bắt buộc đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền, chỉ được coi là một khuyến nghị để các bên tham khảo lựa chọn”- PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) cho biết.

Trước thực trạng trên, Cục Quan hệ lao động và tiền lương đã đề xuất xây dựng mô hình giải quyết tranh chấp lao động chuyên trách theo hướng giảm thiểu các biện pháp hành chính, thúc đẩy chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động của các thiết chế hòa giải, trọng tài, thúc đẩy đối thoại, thương lượng giữa các bên trong quan hệ lao động.

Theo đó, các địa phương sẽ thành lập cơ quan chuyên trách giải quyết tranh chấp lao động ở những địa phương có từ 500.000 lao động trở lên. Đây là cơ quan chuyên trách giải quyết tranh chấp lao động, hoạt động độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, chịu sự quản lý của Sở LĐTBXH; biên chế bộ máy và các chế độ của cán bộ được bảo đảm bởi ngân sách nhà nước.

Trung tâm sẽ là nơi trực tiếp tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, phân loại vụ việc, phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải theo yêu cầu của các bên hoặc thành lập ban trọng tài để tiến hành phân xử tranh chấp theo yêu cầu; có thẩm quyền ra phán quyết trọng tài (mang tính bắt buộc thi hành) hoặc kiến nghị xử phạt hành chính…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cơ quan chuyên trách giải quyết tranh chấp lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO