Căn cứ công nhận liệt sĩ đối với thương binh từ trần

PV (theo VGP) 23/08/2017 21:50

Bố của bà Cao Thị Thùy (Ninh Bình) là thương binh, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61%, mất ngày 12/5/2017 tại nhà riêng do bệnh nặng.

Trước đây, bố của bà Thùy thường xuyên bị co giật và được điều trị tại Bệnh viện Quân y 5 tỉnh Ninh Bình, trong hồ sơ bệnh án bác sĩ kết luận: Động kinh, thương binh 61%. Bà Thùy hỏi, bố của bà có được công nhận là liệt sĩ không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điểm I, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế; suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 8, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% phải có bệnh án điều trị (bản sao) và biên bản kiểm thảo tử vong của bệnh viện cấp huyện trở lên xác định nguyên nhân tử vong là do vết thương tái phát.

Theo đó, trường hợp thương binh 61% chết tại nhà riêng, không có giấy tờ theo quy định nêu trên, không có cơ sở để xem xét, xác nhận liệt sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn cứ công nhận liệt sĩ đối với thương binh từ trần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO