Căn cứ tính thời gian đóng BHXH công tác trước năm 1995 cần giấy tờ gì?

PV (theo vGP) 21/08/2017 08:30

Ông Ngô Văn Minh (Bà Rịa – Vũng Tàu) sinh ngày 26/1/1958, học tại Trường An ninh I và công tác trong ngành Công an từ tháng 12/1975, cấp bậc Thượng úy. Tháng 7/1991, ông chuyển sang công tác tại Văn phòng UBND tỉnh đến nay.

Năm 1995, khi làm sổ BHXH, ông đã kê khai thời gian học tại Trường An ninh, nhưng không được duyệt là có đóng BHXH.

Ông Minh hỏi, ông có được xác nhận bổ sung thời gian học tại trường An ninh là thời gian có đóng BHXH không? Tháng 1/2018, nghỉ hưu ông có được tính phụ cấp thâm niên thời gian công tác trong ngành Công an để tính lương hưu không? Thủ tục cần giấy tờ gì?

BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ Điểm b, Khoản 7, Mục II Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước thì “thời gian học sinh và sinh viên đi học ở các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học... trước khi đi là công nhân, viên chức không được tính là thời gian công tác. Thời gian công tác chỉ được tính từ khi bắt đầu vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước”.

Vì vậy, thời gian học tại Trường An ninh I trước khi được tuyển dụng vào làm việc trong ngành Công an của ông Minh không được tính là thời gian công tác tính hưởng BHXH và không được cộng nối với thời gian công tác có đóng BHXH sau này.

Trường hợp được cộng phụ cấp thâm niên nghề để tính lương hưu

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ thì: “Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển sang ngạch công chức, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc chuyển ngành sang doanh nghiệp Nhà nước, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu thì cách tính lương hưu thực hiện như sau:

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân hoặc phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu”.

Như vậy, trường hợp của ông Minh đã được hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong ngành Công an, khi chuyển ngành sang làm công chức hành chính không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH không có phụ cấp thâm niên nghề thì khi nghỉ hưu ông Minh được tính phụ cấp thâm niên nghề thời gian công tác trong ngành Công an để tính mức lương bình quân làm cơ sở tính lương hưu.

Ông cần cung cấp hồ sơ (Quyết định chuyển ngành, hồ sơ, lý lịch thể hiện thời gian công tác trong ngành công an…) cho đơn vị sử dụng nơi ông đang đóng BHXH, đơn vị nộp cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn cứ tính thời gian đóng BHXH công tác trước năm 1995 cần giấy tờ gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO