Cần đánh giá thường xuyên khi dạy học trực tuyến

Thu Hương 06/10/2021 05:49

Đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học trực tuyến nhằm phát hiện sự tiến bộ của học sinh (HS), từ đó hỗ trợ, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm cải thiện chất lượng giáo dục HS.

Giảm bớt áp lực kiểm tra định kỳ

Cô giáo Thu Hằng (Trường Tiểu học Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1 cho biết, việc đánh giá thường xuyên với khối tiểu học, đặc biệt là lớp 1 rất quan trọng. Năm học mới bắt đầu được khoảng 1 tháng với hình thức dạy học trực tuyến, bên cạnh những khó khăn cả cô và trò cùng phải khắc phục, cũng có những thuận lợi hơn khi cô đã quen với việc dạy học trực tuyến, đường truyền cũng cải thiện hơn so với thời điểm trước.

“Do các con lớp 1 chưa có bài thi nên việc nhận xét hàng ngày rất quan trọng. Tôi luôn cố gắng gọi mỗi trò trả lời câu hỏi ít nhất một lần mỗi ngày. Ngoài ra, qua kênh Zalo, gọi điện trao đổi với HS và phụ huynh để giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn các con hiểu bài. Chấm bài, chữa bài liên tục, động viên các con viết chữ này đẹp rồi, bạn này đọc lưu loát,… khiến HS phấn khởi, chú ý hơn vào bài học”- cô Hằng nói.

Trên thực tế, dù với chương trình giáo dục phổ thông mới hay chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thì việc đánh giá thường xuyên HS vẫn rất quan trọng. Hơn ai hết, chính thầy cô dạy học trực tiếp hàng ngày sẽ là người nắm rõ nhất khả năng của từng em, việc tiếp thu bài cũng như sự tiến bộ mỗi ngày của các em ra sao. Trong khi với các khối lớp lớn có bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết thì với khối lớp nhỏ, chỉ có bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ nên nếu không có đánh giá thường xuyên sẽ khó để phát hiện sự tiến bộ của HS. Đặc biệt, với việc học trực tuyến khác nhiều với việc học trên lớp nên thầy cô sẽ khó để nhắc nhở HS, phát hiện lỗi sai để điều chỉnh, hướng dẫn. Chỉ có tăng cường tương tác, trao đổi với HS và gia đình, liên tục giao bài tập cá nhân hoặc theo nhóm, chấm bài, chữa bài… để nhận xét, đánh giá sự tiến bộ của HS, có phương án phù hợp động viên, hướng dẫn các em.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, năng lực của HS được hình thành, rèn luyện và phát triển trong suốt quá trình học. Do vậy để xác định mức độ năng lực của HS không thể chỉ thực hiện qua một bài kiểm tra kết thúc môn học có tính thời điểm mà phải được tiến hành thường xuyên trong quá trình đó. Việc đánh giá cần được tích hợp chặt chẽ với việc dạy học, coi đánh giá như là công cụ học tập nhằm hình thành và phát triển năng lực cho HS.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên thông qua quan sát HS, vấn đáp, đánh giá hồ sơ học tập, sản phẩm học tập của HS, tổ chức cho HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau...

“Việc đánh giá thường xuyên là trọng tâm để đánh giá sự tiến bộ của HS chứ không phải dựa vào điểm của một, hai bài thi đánh giá định kỳ. Vì thế, cả người dạy, người học và phụ huynh không nên quá áp lực về kết quả kiểm tra định kỳ”- ông Hoàng nhấn mạnh.

Tăng cường nhận xét, không so sánh

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đánh giá thường xuyên không phải là cái gì mới, thêm vào công việc của người giáo viên. Trên thực tế nó tích hợp rất rõ ràng vào công việc vốn hàng ngày có trên lớp của giáo viên.

Nay với việc học trực tuyến, việc đánh giá thường xuyên giúp tăng tương tác giữa giáo viên và HS. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra việc đánh giá thường xuyên của giáo viên qua các phản hồi chỉ bằng các nhận xét cho HS dường như mang lại sự tiến bộ nhiều hơn và sự quan tâm lớn hơn đến việc học tập của các em.

Theo đó, giáo viên cần sử dụng một cách hợp lý, đúng mực và khéo léo các nhận xét của mình cho các sản phẩm học tập của HS, giúp cho HS biết được các em đang ở đâu so với yêu cầu, đích và cách các em cần đến trong thời gian tiếp theo. Đó chính là một trong những biện pháp quan trọng mà giáo viên có thể làm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục HS.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra một vấn đề cần lưu tâm đặc biệt đó là trong hoàn cảnh không được đến trường học trực tiếp, giao lưu với thầy cô, bạn bè, HS sẽ có những ảnh hưởng tâm lý. Vì vậy, khi dạy học trực tuyến, giáo viên cần quan tâm nhiều hơn tới tâm lý HS, liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt hỗ trợ HS kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần đánh giá thường xuyên khi dạy học trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO