Cần những giải pháp đột phá

H.Vũ Ảnh: Quang Vinh 05/06/2019 23:15

Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đăng đàn trả lời chất vấn.

Tại đây, rất nhiều vấn đề nóng đã được các ĐBQH đưa ra như: Bất cập quy hoạch; các dự án bị đội vốn nhiều lần; lợi dụng vấn đề tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi… đồng thời nhấn mạnh đến việc cần sớm có những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết.

Xử nghiêm vi phạm về chiếm dụng quỹ bảo trì nhà chung cư

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn xong, giải trình làm rõ thêm về tình hình điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các đô thị hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, điều chỉnh quy hoạch là nội dung của quá trình thực hiện quy hoạch, do yêu cầu khách quan và chủ quan trong hoạt động quy hoạch. Có trường hợp do Nhà nước điều chỉnh vì chất lượng quy hoạch kém buộc phải điều chỉnh, có trường hợp do nhà đầu tư đề nghị và có trường hợp do người dân yêu cầu. Tuy nhiên vấn đề cử tri bức xúc chính là điều chỉnh quy hoạch “chạy” theo nhà đầu tư như nâng tầng cao, mật độ diện tích xây dựng, giảm diện tích chung làm tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, an toàn của người dân và cần phải khắc phục.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân là do quy hoạch kém, dự báo thiếu chính xác, chưa gắn với các nguồn lực. Việc cấp phép dự án tràn lan dẫn đến tình trạng nếu cho triển khai thì dư thừa bất động sản, còn nếu hạn chế xây dựng sẽ dẫn đến việc bỏ hoang. Rồi việc lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực cũng là nguyên nhân.

Đưa ra giải pháp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương các tỉnh, thành cần thanh tra, xem xét điều chỉnh quy hoạch vi phạm quy chuẩn, dừng quy hoạch đối với các vi phạm quy hoạch. Đối với quy hoạch chưa thực hiện cần đầu tư hạ tầng để đáp ứng với gia tăng dân số. Xử lý nghiêm khắc tình trạng dự án treo, quy hoạch treo, đất bỏ hoang diễn ra ở nhiều địa phương ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân khi muốn làm nhà, sản xuất không được vì vướng quy hoạch từ dó làm lãng phí nguồn lực.

“Muốn vậy cần đẩy mạnh chất lượng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp, có cơ chế lựa chọn nhà tư vấn có năng lực, kinh nghiệm. Công khai quy hoạch lắng nghe ý kiến người dân trong việc lập quy hoạch. Chú trọng xây dựng nhà ở xã hội cho người có công, nhà ở cho công nhân là những giải pháp giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, đáp ứng nhiều đối tượng và thị trường”-Phó Thủ tướng cho hay đồng thời nhấn mạnh phải có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ đầu tư, xử lý cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư và Nhà nước.

Về dự án 8B Lê Trực, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo về vấn đề này, Bộ Xây dựng phối hợp cùng với TP Hà Nội xử lý dứt điểm, đồng thời kiểm tra xử lý vi phạm tại khu HH Linh Đàm theo đúng quy định của pháp luật.

“Về quản lý vận hành nhà chung cư, nhất là các tranh chấp đang xảy ra, Bộ Xây dựng cần cùng với Bộ Công an, UBND các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 29 của Thủ tướng về tăng cường quản lý nhà nước về vận hành nhà chung, xử lý nghiêm các vi phạm theo định của pháp luật về việc chiếm dụng quỹ bảo trì nhà chung cư để bảo vệ lợi ích của người dân” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cần những giải pháp đột phá

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khi mới lập chưa có chủ trương xin vốn, thường huy động doanh nghiệp trong nước lập dự án. Thực tế thời gian qua cán bộ của ta còn hạn chế, tư vấn cũng hạn chế, khi triển khai dự án đường sắt thường lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề.

Vì sao nhiều dự án đường sắt đô thị đội vốn?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, nhiều ĐB đã truy vấn trách nhiệm về việc nhiều dự án đường sắt đô thị bị đội vốn, gây lãng phí. Cụ thể, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng? Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do đây là công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008 trong khi thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ năm 2009 đến năm 2013 trượt giá 49%. Tuy nhiên, trước sự quan tâm của dư luận, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra tất cả dự án đội vốn; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chưa bằng lòng với câu trả lời này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, Bộ trưởng còn trả lời né tránh khi ngoài 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn thì đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỷ đồng; dự án hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, Ninh Thuận tăng hơn 2.680 tỷ đồng; dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỷ đồng. Do đó phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát, xử lý nghiêm để răn đe.

Cần những giải pháp đột phá - 1

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn tại Hội trường.

Thông tin về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi mới lập chưa có chủ trương xin vốn, thường huy động doanh nghiệp trong nước lập dự án. Thực tế thời gian qua cán bộ của ta còn hạn chế, tư vấn cũng hạn chế, khi triển khai dự án đường sắt thường lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi ký hiệp định vay vốn, Trung Quốc chỉ định tổng thầu không phải ta thi tuyển, lựa chọn. Qua thực hiện thấy rằng, tổng thầu xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành đường sắt còn thiếu kinh nghiệm do đó Bộ đã làm việc với các bên cố gắng cải thiện tình hình để đưa dự án sớm đi vào vận hành.

Tuy nhiên ngay sau đó, ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị bộ trưởng làm rõ dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông khi nào dự án được đưa vào sử dụng và khai thác thương mại khi đã lỡ hẹn 7 lần? Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đưa ra được mức thời gian cụ thể, mà chỉ cho biết, Bộ đã làm việc với tổng thầu, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc để yêu cầu thay đổi đơn vị cung cấp, làm sao để quy trình vận hành đảm bảo an toàn vì đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên, nếu dự án này có vấn đề các dự án khác sẽ khó khăn cho nên sẽ cố gắng tối đa.

Cần những giải pháp đột phá - 2

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Việc xảy ra tại chùa Ba Vàng vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng đạo đức lối sống, văn hóa, cần lên án và xử lý. Việc thương mại hoá các công trình tâm linh, thực hiện hành vi mê tín dị đoan nếu có là vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý. Hiện chưa có thông tin liên quan tới việc quan chức góp tiền xây chùa.

Mức xử phạt hành chính đã đủ răn đe?

Trong buổi chiều, các ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện xung quanh vấn đề lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi. ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, phạt tuyên truyền mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng mức 5 triệu đồng là quá nhẹ. “Mức xử phạt hành chính hiện nay đã đủ răn đe chưa? Có biện pháp gì ngăn chặn hiện tượng giống như tại chùa Ba Vàng” - bà Thủy nêu vấn đề. Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh và việc một số quan chức góp tiền xây dựng chùa? Hành vi lệch chuẩn của một số ít công dân Việt Nam lợi dụng hoạt động tôn giáo.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Việc xảy ra tại chùa Ba Vàng vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng đạo đức lối sống, văn hóa, cần lên án và xử lý. Chính quyền địa phương đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm lối sống văn hóa của bà Phạm Thị Yến với mức 5 triệu đồng, theo quy định hiện hành đây là mức phạt cao nhất. “Thực ra nếu có phạt 100 triệu đồng cũng không giải quyết vấn đề. Tiền là một phần nhưng quan trọng hơn làm thế nào để xã hội lên án hành vi phản văn hóa, phi đạo đức do đó phải kết hợp tăng mức xử phạt với các hình thức lên án từ xã hội thì sẽ hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc thương mại hoá các công trình tâm linh, thực hiện hành vi mê tín dị đoan nếu có là vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý. Hiện chưa có thông tin liên quan tới việc quan chức góp tiền xây chùa.

Đề cập đến hiện tượng lệch chuẩn của một số công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần phê phán hành động phản văn hóa, một số trường hợp lệch chuẩn đã bị xử lý. Tuy nhiên cũng có những trường hợp vẫn đang được rà soát theo các quy định của pháp luật để có biện pháp xử lý.

* 2 giải pháp giám sát thu phí BOT: Trả lời ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) về việc cử tri lo lắng tính minh bạch của các dự án thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Các dự án BOT quyết toán phải đảm bảo công khai minh bạch. Cuối năm nay khi tất cả các trạm thu phí không dừng đi vào hoạt động sẽ có 2 giải pháp giám sát thu phí. Đồng thời tất cả các trạm có hệ thống bố trí camera xem xét lưu lượng từng giờ, từng ngày. Sắp tới sẽ lấy số liệu này kiểm tra trong một ngày, một tuần để đối chiếu doanh thu doanh nghiệp cung cấp lúc đó việc thu phí, xác định hoàn vốn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều.

* Chưa có quy định quản lý thu - chi tiền công đức: Liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền công đức mà ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định điều chỉnh về tiền công đức thu như thế nào, chi như thế nào mà chỉ có văn bản của Bộ cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức, trong đó yêu cầu tiền người dân tài trợ phải sử dụng đúng mục đích, công khai.Do đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu đề xuất việc đặt hòm công đức thế nào để thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần những giải pháp đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO