Cẩn thận khi bị rắn cắn

H.Phương 11/07/2021 14:24

Một tháng qua, trung bình, mỗi ngày Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận từ 3-5 bệnh nhân bị rắn cắn phải nhập viện với các mức độ nặng - nhẹ khác nhau.

Mùa rắn sinh sôi

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mùa hè là mùa sinh sôi phát triển của rắn nên số bệnh nhân phải nhập viện do rắn cắn cũng tăng lên đáng kể. Rắn cắn là một trong những nguyên nhân ngộ độc hàng đầu ở Trung tâm Chống độc, đặc biệt xảy ra nhiều từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, là mùa phát triển của rắn độc.

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (45 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) hiện đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai do bị rắn cạp nia cắn. Theo lời kể của người nhà, chiều 30/6, bệnh nhân đi làm đồng và đến 22h cùng 3 người trong gia đình ngủ dưới đất. Đến 4h ngày 1/7, bệnh nhân tỉnh dậy phát hiện đau cơ, sụp mí, nuốt khó, nói ngọng, tê yếu tay chân (đi phải có người dìu).

Ngay lập tức, bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, đến 7h, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp, liệt tứ chi. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai); được chuẩn đoán theo dõi rắn cạp nia cắn.

Bác sĩ Phan Thị Thu Hương, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân có cải thiện, tuy nhiên phải sau một tuần nữa mới đánh giá được mức độ hồi phục của bệnh nhân. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất lớn.

Đáng lưu ý, lúc đầu gia đình không biết bệnh nhân bị rắn cắn khi nào và loại rắn gì vì không nhìn thấy con rắn và vết cắn trên người bệnh nhân. Chỉ đến khi tới Trung tâm Chống độc, được các bác sĩ giải thích, phân tích, gia đình mới biết bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn.

Chị Vũ Thị H. (26 tuổi, ở Sông Công, Thái Nguyên) bị rắn lục cắn vào buổi tối khi đi ra sau nhà. Sau khi bị rắn cắn, chị thấy buốt và sưng đau. Sau đó, từ bàn chân, mu bàn chân đến đùi bên trái bị đau, sưng nề, bầm tím, rối loạn đông máu nặng. Bệnh nhân được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục.

Sau 3 ngày điều trị, chân trái của bệnh nhân đã đỡ buốt và nhức, chỉ còn sưng và bầm tím. Xung quanh nhà là rừng nhưng chị H. cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ bị rắn lục cắn nên có phần chủ quan.

Không nên sơ cứu theo kinh nghiệm dân gian

BS Nguyên khuyến cáo, ở nước ta, rắn cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.

Khi bị rắn độc cắn, nếu không xử trí kịp thời sẽ dễ bị tử vong, hoặc đưa đến cơ sở y tế càng chậm thì tiên lượng càng xấu. Hầu như không có trường hợp nào được bất động, nẹp chi bị rắn cắn, rửa sạch vết thương, băng ép trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Có một số ít trường hợp được sơ cứu nhưng lại không đúng cách, như đắp mật rắn lên vết cắn, đến thầy lang để nặn máu… làm ảnh hưởng xấu đến việc điều trị, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong hoặc di chứng suốt đời. Việc điều trị rắn độc cắn cũng phức tạp, vừa dài ngày vừa tốn kém.

BS Nguyên nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Vì thế, nếu không may bị rắn độc cắn, người bệnh cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Theo BS Nguyên, không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường); vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động; nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo.

Đặc biệt, người dân không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn…, bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

Thông thường rắn khá sợ người nên sẽ bỏ đi nếu thấy có người đến gần và chỉ cắn khi cảm thấy bị đe dọa. Vì vậy, có thể tránh bị rắn cắn bằng một số cách như: Tránh bắt hay chọc phá rắn; mang ủng, quần dày và găng tay nếu tới những nơi có thể có rắn; Nếu thấy rắn trong tự nhiên, hãy để rắn tự đi chứ không nên chọc phá hay bắt; tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm hoặc hang hốc có nhiều gạch đá, lâu không có người đi tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận khi bị rắn cắn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO