Cần thêm chính sách để khuyến khích sáng tạo

H.Vũ (thực hiện) 12/04/2021 06:30

Coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, đó là vấn đề rất cần thiết. Theo ông Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nên có cơ chế  để các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo.

Ông Lê Công Nhường.

PV:Thời gian qua chúng ta đã quan tâm đầu tư nhưng một số ý kiến cho rằng sự phát triển của khoa học - công nghệ chưa tương xứng với kỳ vọng. Ý kiến của ông?

Ông Lê Công Nhường: Những nền kinh tế mới nổi phần lớn thành công nhờ vào các sản phẩm mới. Sản phẩm mới dựa vào đổi mới công nghệ. Ví dụ những tài sản Facebook hay Google tạo ra đem lại giá trị hơn những sản phẩm truyền thống. Thương mại điện tử đã thay thế thương mại truyền thống.

Một quốc gia muốn tiến nhanh, dứt khoát phải đổi mới sáng tạo để tạo ra của cải vật chất và giá trị thặng dư lớn. Trong đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt. Trong thời gian qua ngân sách chi cho khoa học công nghệ theo phê duyệt của Quốc hội là khoảng 2% nhưng thực ra chỉ được khoảng 1,61%.

Một trong những rào cản chính là việc quyết toán cơ chế tài chính ngân sách còn theo phương thức cũ, chưa khoán tới sản phẩm cuối cùng. Nó là một rào cản cho các nhà khoa học trong việc sử dụng ngân sách.

Tại các nước khoán tới sản phẩm cuối cùng, để nhà khoa học tự quyết định việc sử dụng tài chính của mình miễn sao phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học vì nghiên cứu có rủi ro. Tuy nhiên, trong quản lý tài chính của chúng ta hầu như không chấp nhận rủi ro, bắt buộc nhà khoa học phải làm theo một kế hoạch, chi tiêu theo đúng lộ trình đã ký với nhà nước.

Có nghĩa công trình nghiên cứu phải được bảo đảm theo kế hoạch nên cũng khó có sức sáng tạo. Vì khi sáng tạo, bị rủi ro thì họ phải chịu trách nhiệm rất lớn. Cho nên tôi cho rằng đây là cái chúng ta cần tháo gỡ.

Hiện Chính phủ đã thành lập các Trung tâm đổi mới sáng tạo ở 3 miền. Mỗi tỉnh cũng có trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhà nước nên đầu tư vào đó, việc đầu tư chỉ là “vốn mồi”, còn huy động vốn của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn sống cũng phải có sáng tạo và sản phẩm công nghệ, cho nên cần nhanh chóng hình thành Quỹ Đổi mới sáng tạo cũng như Quỹ bảo hiểm rủi ro.

Qua tổng kết cho thấy những công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công rất ít, chỉ chiếm 1/1000. Nghĩa là 1.000 ý tưởng và doanh nghiệp ra đời chỉ tồn tại 1. Do đó, Nhà nước có thể nuôi dưỡng ban đầu, ươm tạo, rồi huấn luyện cho họ có những kiến thức kinh doanh. Cho nên cần có Quỹ bảo hiểm rủi ro để tài trợ cho họ lúc ban đầu. Khi doanh nghiệp sống, đó sẽ là những cổ phiếu rất đắt giá.

Đẩy mạnh khoa học công nghệ sẽ giúp hình thành Chính phủ số cải cách nền hành chính quốc gia. Vậy theo ông, làm sao để có thể hiện thực hóa được vấn đề này?

-Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết và quyết tâm của Chính phủ về thực hiện Chính phủ số. Vấn đề là ở cách triển khai. Trước hết phải có một đội ngũ chuyên gia am hiểu. Thứ hai, việc chuyển đổi số nên thống nhất ở tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, tránh trường hợp không thống nhất dữ liệu. Chúng ta phải thống nhất cách lấy dữ liệu, sử dụng dữ liệu chung để tiết kiệm nguồn lực quốc gia. Ví dụ như vừa rồi Bộ Công an làm Thẻ căn cước công dân.

Đây là một dữ liệu rất quan trọng, là tài sản chung của đất nước. Có thể tích hợp vào đó để có thông tin đầy đủ về một cá nhân, từ quê quán, cha mẹ, bệnh tật, nhóm máu, ngân hàng. Đây là cái quý cho việc phát triển Chính phủ số. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có một mạng riêng của đất nước để chúng ta biết được hành vi của mỗi người như thế nào.

Ví dụ như Facebook biết được hành vi của chúng ta như thích mua sắm gì? Thích cái gì? Nếu chúng ta có mạng xã hội của mình, ta sẽ biết được người dân thích gì? Có xu hướng như thế nào? Qua đó tác động trong tuyên truyền chính sách một cách thuận lợi hơn, cũng như ngăn ngừa những hành động không tốt.

Trong việc này, theo ông làm gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia?

-Nhà nước phải có những cơ chế hỗ trợ. Ví dụ những doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo thì chúng ta có thể giảm bớt thuế. Thứ hai, khi họ đầu tư vào đó rồi cần cho họ được độc quyền khai thác sản phẩm đó trong thời gian bao lâu? Phải đi kèm với sở hữu trí tuệ, tránh trường hợp làm nhái, lúc đó người ta cũng không có động lực để đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới.

Nhật Bản, Hàn Quốc được xem là những quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Theo ông, những bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc có thể áp dụng cho chúng ta hiện nay hay không?

-Chúng ta có thể học tập và ta có lợi thế của người đi sau. Quan trọng hiện nay là mua ý tưởng và phát triển ý tưởng đó. Ví dụ công may mặc cái áo không đáng bao nhiêu nhưng công thiết kế, ý tưởng sáng tạo của thiết kế mẫu mã thì lại rất lớn. Nói riêng trong giáo dục thì rất cần thay đổi cách giáo dục, hướng tới khai mở trí óc của học sinh, làm sao để các em có nhiều ý tưởng.

Trong sáng tạo có lẽ cũng phải chấp nhận những rủi ro nhất định, có như vậy mới thu hút và trọng dụng nhân tài, khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm. Thưa ông?

-Đúng vậy! Chúng ta nên có cơ chế thoáng hơn. Tất nhiên xác định việc thất bại cần có hội đồng để thẩm định. Hiện nay chúng ta đang kêu gọi bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Muốn vậy phải có cơ chế bảo vệ người ta thì người ta mới dám làm. Đã là chủ trương thì tất cả các bộ, ban, ngành cần ngồi lại, vạch ra một cơ chế hữu hiệu để các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo, cũng cần chấp nhận cho họ thất bại trong một số trường hợp, vì nhiều khi có thất bại thì mới có thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thêm chính sách để khuyến khích sáng tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO