Can thiệp kỹ thuật để voi nhà tại Đắk Lắk sinh sản

Nguyễn Tuấn Anh 13/01/2017 18:15

Các chuyên gia cho biết, ở Đắk Lắk có 7 con voi còn có thể mang bầu, số voi này nếu được chăm sóc tốt thì có thể sinh nở và tới 2045 số voi nhà có thể tăng thêm hàng chục con nữa.

Can thiệp kỹ thuật để voi nhà tại Đắk Lắk sinh sản

Quang cảnh Hội thảo.

Từ ngày 11 đến ngày 13/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức động vật châu Á phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, Tổ chức chăm sóc voi quốc tế, Vườn thú North Carolina và Tổ chức phúc lợi Động vật Hoang dã tổ chức Hội thảo quản lý voi với quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay.

Theo số liệu điều tra năm 2015, Việt Nam chỉ còn khoảng 60 cá thể voi nhà và trên 100 cá thể voi hoang dã, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, và Nghệ An.

Riêng tỉnh Đắk Lắk có 44 con voi nhà, trong độ tuổi từ 20-40 chỉ còn 25 con. Mặc dù Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp voi sinh sản tự nhiên nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Can thiệp kỹ thuật để voi nhà tại Đắk Lắk sinh sản - 1

Các chuyên gia đang chữa bệnh cho voi Jun Đắk Lắk.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, từ năm 2007 đến nay, đã có 26 voi nhà bị chết. Chỉ tính riêng từ năm 2011 toàn tỉnh có 51 cá thể voi nhà, thế nhưng đến nay sụt giảm chỉ còn 44 con (trong đó có 2 cá thể voi rừng mới được Trung tâm cứu hộ đưa về chăm sóc). Không chỉ voi nhà mà ngay cả voi hoang dã của tỉnh giảm rất nhanh.

Theo thống kê, năm 1980 có trên địa bàn tỉnh đàn voi hoang dã có hơn 550 con thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng 60-70 cá thể.

Từ năm 2009 đến nay đã có 20 con voi rừng bị chết, trong đó có nhiều cá thể voi bị săn bắn trái phép. Phát biểu tại Hội thảo, TS, BS thú y người Hà Lan Willem chia sẻ: “Với tình trạng như hiện tại, tôi nghĩ tới năm 2045 số voi hiện tại ở Đắk Lắk sẽ chết. Đây là lời kêu gọi khẩn cấp, sự cảnh báo cấp thiết rằng hãy hành động và có biện pháp ngay lập tức”.

Tại Hội thảo, 2 giải pháp mà các chuyên gia đều cho rằng phải tập trung thực hiện ngay: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hành động thực tế để bảo tồn những con voi còn sót lại và can thiệp kỹ thuật để voi sinh sản, nhân giống.

Bởi từ năm 2009 đến nay, chưa có một con voi con nào được sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt. Năm 2009 có một voi mẹ ở Buôn Đôn mang thai nhưng khi chuẩn bị sinh sản thì thai voi bị chết do voi mẹ quá yếu, điều kiện chăm sóc không đầy đủ.

Tuy cho đến nay, đàn voi nhà ở Việt Nam chưa sinh sản thành công vì nhiều nguyên nhân, nhưng trước sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng đàn voi nhà và voi hoang dã, năm 2012 HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết về quy định một số chính sách bảo tồn voi của tỉnh; năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng…

Cùng sự chung tay góp sức của Tổ chức Động vật châu Á, đến nay đàn voi ở Đắk Lắk nhiều tín hiệu lạc quan. Cụ thể, tại hội thảo, BS Willem đã công bố thông tin khá bất ngờ: voi mẹ H’Ban Nang của chủ voi Y Tứ tại huyện Lắk đã mang bầu và dự sinh vào tháng 9/2017. BS Willem cho biết, ở Đắk Lắk có 7 con voi còn có thể mang bầu, số voi này nếu được chăm sóc tốt thì có thể sinh nở và tới 2045 số voi nhà có thể tăng thêm hàng chục con nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Can thiệp kỹ thuật để voi nhà tại Đắk Lắk sinh sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO