Cần Thơ: Cứu sống nam thanh niên bị dị vật đâm xuyên ngực, bụng

Diệu Hoà 23/11/2022 22:10

Nam thanh niên được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, mạch nhanh, thành trước ngực phải có dị vật là thanh gỗ nhọn, dài đâm theo hướng từ trên xuống, xuyên phổi, qua cơ hoành, thấu gan.

Ngày 23/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy thanh gỗ dài 30cm đâm xuyên phổi, qua cơ hoành, thấu gan bệnh nhân do tai nạn giao thông.

Theo đó, nam bệnh nhân T. T. S, (17 tuổi, ở Kiên Giang) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, mạch nhanh, dị vật thành trước ngực phải dạng thanh gỗ nhọn hướng từ trên xuống, chiều dài dị vật nằm trong lồng ngực và ổ bụng khoảng 25cm. Được biết, bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, ngã xuống sông, bị cây cọc đâm thấu ngực (P).

Ê - kíp phẫu thuật gồm nhiều bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp.

Tại đây, các bác sĩ xử trí cấp cứu, truyền dịch, giảm đau, truyền máu…, Kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật đâm xuyên từ ngực phải xuyên qua phổi xuống ổ bụng thấu gan, gãy cung xương sườn trước 3 (P), dập phổi thùy giữa.

Các bác sĩ nhanh chóng quyết định phẫu thuật thám sát, xử lý tổn thương cấp cứu. Ê-kíp bác sĩ thực hiện kết hợp mở ngực và mở bụng lấy dị vật kiểm soát chảy máu, khâu nhu mô phổi, khâu cơ hoành, khâu gan. Sau hơn 4h phẫu thuật, bệnh nhân vượt qua nguy hiểm và chuyển đến khu hồi sức. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn định.

Thông tin với phóng viên, Ths. Bs Liêu Vĩnh Đạt, Phó khoa Ngoại Lồng ngực, mạch máu - Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ cho biết: Với bệnh nhân có vết thương thấu ngực bụng còn dị vật dính trên lồng ngực việc sơ cứu và điều trị với sự phối hợp nhiều chuyên khoa rất quan trọng. Một dị vật xuyên qua thành ngực xuống ổ bụng, có thể tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan ở ngực và trong ổ bụng, điều này có thể dẫn đến suy hô hấp, sốc mất máu và đưa đến tử vong.

“Việc đầu tiên sơ cấp cứu tuyệt đối không lấy dị vật ra khỏi vết thương. Lúc này, dị vật đóng vai trò trong việc ngăn chảy máu. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, băng ép vết thương xung quanh và cố định dị vật tốt nhất có thể và chuyển đến bệnh viện tuyến chuyên khoa nhanh nhất để được xử trí kịp thời.” – Bác sĩ Đạt thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần Thơ: Cứu sống nam thanh niên bị dị vật đâm xuyên ngực, bụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO