Cần Thơ tìm hướng đi cho xe buýt

Gianh Lam 27/03/2018 14:29

Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng, trong đó có phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ở Cần Thơ hiện nay được xem là yếu kém nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương, thậm chí còn thua các tỉnh lân cận.

Cần Thơ tìm hướng đi cho xe buýt

Hoạt động xe buýt của Cần Thơ hiện nay còn yếu kém.

Chỉ đáp ứng 1% nhu cầu

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Cần Thơ, thành phố hiện có 7 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 2 tuyến liên tỉnh (Cần Thơ - Vĩnh Long, Cần Thơ - Sóc Trăng) và 5 tuyến trong địa bàn thành phố, với tổng số 82 đầu xe, mỗi ngày xuất bến khoảng 338 lượt, chở khoảng 12.000 lượt hành khách.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, với số lượng trên, xe buýt mới chỉ đáp ứng được khoảng 1% nhu cầu đi lại của thành phố, trong khi theo Đề án nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt được Bộ GTVT phê duyệt thì yêu cầu đối với thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ là phải từ 5 - 10%.

Theo ông Dũng, hoạt động xe buýt của thành phố còn hạn chế do các nguyên nhân như: hệ thống biển báo, trạm chờ quá cũ, không đáp ứng nhu cầu của hành khách; chưa có phương án trợ giá vé cho người tham gia dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt; các xe buýt có thời gian sử dụng đã quá lâu, có những xe đã 11 - 12 năm, chưa có kinh phí để đầu tư. “Thêm nữa, việc mở các luồng tuyến mới đi đến các quận, huyện xa trên địa bàn gặp khó khăn do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đảm bảo” - ông Dũng nói.

Theo Ban quản lý điều hành VTHKCC (đơn vị đang trực tiếp quản lý khai thác hoạt động các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố), doanh thu của đơn vị năm 2017 giảm gần 25% so với năm 2016, lỗ hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân được cho là do số chuyến hoạt động cùng với lượng hành khách đều giảm so với năm trước. Do hoạt động không có lãi, không có tiền trả lương nên trong năm 2017 đã phải cắt giảm khoảng 30 nhân viên. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2017, thời gian giữa mỗi chuyến xe buýt cũng tăng lên 20 phút thay vì 15 phút như trước đây do số lượng xe giảm.

Kỳ vọng chính sách trợ giá

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ VTHKCC bằng xe buýt và Đề án nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt của Bộ GTVT, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở GTVT xây dựng một đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn. Đề án đã thông qua hội đồng thẩm định hai lần, sẽ trình UBND thành phố phê duyệt tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2018.

Đại diện Sở GTVT Cần Thơ cho biết nội dung đề án là cụ thể hóa các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Theo đó, tập trung vào các giải pháp như: hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư về phương tiện, kết cấu hạ tầng; trợ giá vé cho một số tuyến bị lỗ, tuyến nào có lãi thì sẽ đấu thầu; miễn giảm cho một số đối tượng hành khách tham gia dịch vụ… Đề án được phê duyệt sẽ là khung pháp lý rất rõ ràng, tạo thành động lực để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động này.

Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng đề án rất cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển về giao thông của cả thành phố. Theo ông Dũng, VTHKCC bằng xe buýt của Cần Thơ hiện nay được xem là yếu kém nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương, thậm chí thua cả các tỉnh lân cận. Vì vậy, cần thống nhất, sớm triển khai đề án để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các đối tượng như học sinh, người có hoàn cảnh khó khăn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần Thơ tìm hướng đi cho xe buýt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO