Cần tỉnh táo trước sức ép hội nhập

Hồ Hương 19/01/2018 08:30

Năm 2018 nhiều dòng thuế nhập khẩu sẽ xuống sâu, điều này đồng nghĩa sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh, tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Theo dự báo, năm tới là năm hội nhập bản lề với 16 Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực. Cùng với đó, rất nhiều nguồn hàng từ các quốc gia trong khu vực đổ về sẽ gây sức ép lớn cho nền sản xuất trong nước.

Cần tỉnh táo trước sức ép hội nhập

Hội nhập sâu sẽ đem nhiều thách thức đến với doanh nghiệp. (Ảnh Internet).

Niềm tin đã cải thiện

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2018 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện cho biết: Có 48,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,1% số DN dự báo khó khăn hơn và 35,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định so với quý IV năm 2017. Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, về khối lượng sản xuất, xu hướng quý I/2018, có 49,2% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 14,9% số DN dự báo giảm và 35,9% số DN dự báo ổn định so với quý IV năm 2017.

Về đơn đặt hàng, xu hướng quý I/2018 khả quan hơn so với quý IV/2017 với 43,6% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 14,9% số DN dự kiến đơn hàng giảm và 41,5% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định. Nhiều dấu hiệu cho thấy cộng đồng DN đang có niềm tin tích cực vào nền kinh tế. Không chỉ vậy số liệu báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, số DN lập mới đã bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV năm 2017. Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 DN thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016, với 1.295,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 45,4%. Số vốn đăng ký trung bình trên một DN tăng đáng kể, ở mức 26,2% và đạt 10,2 tỷ đồng/DN. Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động cả năm 2017 là 60.553 DN, giảm 0,2% so với năm 2016.

Tuy nhiên theo nhìn nhận của giới chuyên gia, khởi sắc trên nền kinh tế là có nhưng không thể chủ quan bởi năm 2018 có rất nhiều áp lực. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, DN phải đối mặt với sức ép từ chính sách, thuế, hội nhập… rất lớn, nguy cơ các DN ra khỏi thị trường rất cao.

Cụ thể, bà Lan phân tích, 2018 là năm hội nhập bản lề với 16 Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực, như thuế nhập khẩu về 0. Cùng với đó, rất nhiều nguồn hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc ồ ạt về Việt Nam sẽ gây sức ép lớn cho nền sản xuất trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Vì thế, Bộ Tài chính đã có sáng kiến điều chỉnh 5 loại thuế. Do vậy các DN phải tỉnh táo và nỗ lực trước sức ép năm 2018.

Cần tỉnh táo trước sức ép hội nhập - 1

Năm 2018, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép từ hội nhập.

Không thể chủ quan

Trong khi đó nỗi lo về khả năng DN rất lớn. Bối cảnh cạnh tranh là vậy nhưng điều đáng lo là năng suất của lao động Việt Nam thấp trong khu vực. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Điều đáng lo hơn cả là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Một khi năng suất lao động chênh lệch thì nguy cơ tụt hậu cũng gia tăng.

Ngoài ra có thực tế nữa là DN cũng chưa hài lòng về môi trường kinh doanh. Tổng hợp kiến nghị của cộng đồng DN cho biết, các DN vẫn còn than rất nhiều về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhiều kiểm tra chuyên ngành không cần thiết hoặc quá kéo dài gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho DN. Hơn nữa, pháp luật về quản lý chuyên ngành còn phức tạp chồng chéo giữa nhiều bộ, ngành. Có ý kiến cho rằng, cần giảm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập là xu thế tất yếu để Việt Nam phát triển, DN Việt Nam phải tự phòng vệ và không bị tách rời khỏi sự phát triển chung của thế giới. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - giám đốc Công ty Cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) từng kiến nghị: Chúng ta nên có sự chuẩn bị và tạo ra một quy trình liên kết DN như tạo lập danh bạ những DN quốc gia trong cùng lĩnh vực để khi DN hay nhà đầu tư cần thông tin có thể dễ dàng tra cứu. Đại sứ quán Brazil đã đưa ra những cổng thông tin gồm danh sách các ngành nghề trong xã hội. Qua đó, chỉ cần một cú click chuột sẽ hiện ra đầy đủ những DN trong lĩnh vực đó, cùng đầy đủ thông tin như địa chỉ, website, phương thức hoạt động và quy mô của DN. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội để tiếp cận DN một cách nhanh chóng. Đó cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu cho DN trong nước khi họ tham gia các hội thảo hay diễn đàn nước ngoài”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần tỉnh táo trước sức ép hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO