Cẩn trọng khi chạy thận nhân tạo

Mai Hương 17/06/2017 08:49

Cả nước hiện có khoảng 22.000 người bệnh suy thận mãn được lọc máu chu kỳ tại 108 cơ sở y tế có đơn vị thận nhân tạo. Vụ tai biến y khoa khiến 8 người tử vong khi đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình mới đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng. Sự cố này không chỉ khiến người bệnh mà cả những cán bộ y tế đều phải chủ động hơn trong việc đề phòng những biến chứng thường gặp khi chạy thận nhân tạo.

Ảnh minh họa.

Một số biến chứng dễ gặp

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa- Trưởng Khoa Thận lọc máu BV Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh), những biến chứng thường gặp trong chạy thận nhân tạo là tụt huyết áp chiếm 20-30%, chuột rút (5-20%), buồn nôn và nôn (5-15%). Khoảng 5% bệnh nhân nhức đầu, 2-5% đau ngực và một số ít ngứa, sốt ớn lạnh.

Trong đó, khi tụt huyết áp, hầu hết bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc buồn nôn khi xảy ra tụt huyết áp. Một số bị chuột rút. Số khác có thể có triệu chứng kín đáo, chỉ có thể thấy được bởi nhân viên y tế quen thuộc với bệnh nhân, chẳng hạn mất tỉnh táo, cảm giác tối sầm. Ở một số bệnh nhân, không có triệu chứng nào cho tới khi huyết áp giảm cực thấp, khi ấy tình trạng sẽ rất nguy hiểm.

BS Nghĩa khuyến cáo, để tránh tụt huyết áp, bệnh nhân không để tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận. Nên hạn chế ăn muối vì ăn mặn sẽ gây khát nước, từ đó làm dư thừa cả muối lẫn nước và làm tăng cân nhanh và nhiều. Bệnh nhân thường dễ tụt huyết áp trong lúc chạy thận nên tránh ăn ngay trước hoặc trong khi chạy thận. Ăn trong lúc chạy thận có thể thúc đẩy hoặc làm tăng nguy cơ tụt huyết áp. Nguyên nhân là do giãn các mạch máu ở hệ tiêu hóa, làm tăng dung lượng máu ở tĩnh mạch hệ tiêu hóa, làm máu đổ về tim kém hơn. Tác dụng trên huyết áp của thức ăn kéo dài khoảng 2 giờ. Những người hay tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo nên tránh uống thuốc huyết áp trước chạy thận.

Đôi khi tình trạng chuột rút cũng xuất hiện. Nguyên nhân của chuột rút trong chạy thận nhân tạo hiện chưa rõ. Tình trạng này thường xảy ra nhiều nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ và hiện tượng này thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau. Triệu chứng buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường quy, hầu hết do tụt huyết áp. Mù thoáng qua ở bệnh nhân tăng nhãn áp và mất thính lực do tràn nội dịch ở tai trong đã được báo cáo có xảy ra trong lúc chạy thận…

Sự cố có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào

Làm việc với Sở Y tế và BVĐK tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đặt vấn đề: 10 năm nay BV làm tốt dịch vụ lọc máu, nay xảy ra tai biến làm 8 người tử vong, chắc chắn có sự cố trong khâu nào đó của quy trình cần phải rà soát.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng- Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình lọc máu, mỗi lần lọc, máu của bệnh nhân phải tiếp xúc với dịch lọc (nước RO + dịch đậm đặc), mỗi bệnh nhân cần khoảng 120 - 150 lít nước RO/01 lần lọc máu (4 giờ). Nếu nước không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không chỉ tức thì đến cuộc lọc (gây bệnh cảnh lâm sàng phức tạp), mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Đây là sản phẩm duy nhất sản xuất trong nước, còn lại tất cả các thành tố sử dụng cho chạy thận đều phải nhập khẩu. Loại nước này gần giống nước cất (nước cất hoàn toàn vô trùng). Có 21 chỉ số lý hóa cần kiểm soát trong nước RO và tùy theo từng loại chỉ số, ví dụ như nước cứng test hằng ngày, có chỉ số test theo tháng và có chỉ số kiểm tra mỗi sáu tháng. Việc lọc nước sẽ được yêu cầu trải qua các khâu lọc thô và lọc tinh, qua cát, than hoạt, lọc mềm... Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có bộ phận riêng để kiểm tra chất lượng nước hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm.

Liên quan đến việc vệ sinh thiết bị y tế, TS Dũng cho biết, việc rửa quả lọc theo quy trình là rất quan trọng vì nếu hệ thống nước bị nhiễm bẩn do vi khuẩn, nấm..., do tạp chất thì người bệnh có thể gặp các tình huống nhiễm trùng huyết, sốt cao, rét run.

Lưu ý để tránh tai biến

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần phải có một bộ tiêu chuẩn cho đơn vị lọc máu thật chặt chẽ. Ví dụ: buồng bệnh (diện tích, không gian), máy thận, vật tư, nhân lực, hệ thống xử lý nước... đủ để thực hiện công tác điều trị. Nếu không đủ các yêu cầu theo bộ tiêu chuẩn này sẽ không được triển khai kỹ thuật thận nhân tạo. Bộ tiêu chuẩn sẽ được áp dụng trên toàn quốc. Ngoài ra, cần phải có bộ phận giám sát riêng về thận nhân tạo. Đơn vị giám sát này có trách nhiệm kiểm tra và chịu trách nhiệm kiểm tra về mọi mặt tại các đơn vị chạy thận nhân tạo. Nếu chưa thể tổ chức ở quy mô rộng thì mỗi Sở Y tế cũng có thể thành lập một bộ phận giám sát.

Khá nhiều chuyên gia lo lắng về nguy cơ biến chứng từ việc tái sử dụng quả lọc, dây máu cho bệnh nhân trong quá trình lọc máu, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trên thế giới, có nước dùng quả lọc và dây máu một lần và bỏ đi, tuy nhiên có nhiều nước cũng cho dùng lại quả lọc nhiều lần vì khó có quỹ BHYT nào có thể chi trả được nếu chỉ dùng quả lọc dây máu một lần. Hiện nay số quốc gia dùng lại cả dây máu và quả lọc rất ít. Nước ta đang dùng cả quả lọc và dây máu, đại đa số chỉ dùng lại quả lọc.

Về vấn đề này, ông Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, nếu việc sử dụng lại quả lọc tuân thủ theo đúng các quy định đề ra trong việc kiểm tra, rửa, vệ sinh... sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Việc sử dụng một lần hoặc tái sử dụng quả lọc thận đều có thể gặp phải biến chứng, song hầu hết biến chứng thường xảy ra trong lần đầu tiên sử dụng quả lọc.

Để việc chạy thận đạt được an toàn nhất, TS Nguyễn Hữu Dũng khuyến cáo, người bệnh phải tuân thủ theo đúng lịch của bác sĩ chỉ định. Sau khi chạy thận xong, người bệnh cần ở lại bệnh viện đủ lâu để được theo dõi toàn diện. Cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống, vì giữa những lần chạy thận cơ thể sẽ bị tích nước. Tránh ăn những loại đồ ăn/đồ uống khiến cơ thể tích nước và hạn chế ăn đồ ăn, đồ uống có chứa nhiều kali, phosphor, muối như nước ép rau củ hoặc đồ uống thể thao. Không nên uống quá nhiều nước vì tích quá nhiều nước sẽ gây tăng cân, phù, thay đổi huyết áp, tạo gánh nặng cho tim, khó thở. Hạn chế tiêu thụ muối (dưới 5g muối/ngày) vì muối sẽ khiến cơ thể khát nước và khiến người bệnh uống nhiều nước hơn. Cần bổ sung đủ protein và năng lượng để duy trì sức khỏe.

Hiểu đúng về sốc phản vệ

Sốc là trạng thái xảy ra khi rối loạn nghiêm trọng các hoạt động nhiều cơ quan trong cơ thể mà trước hết là tuần hoàn và thần kinh dẫn đến hạ huyết áp, không bắt được mạch (còn gọi là trụy mạch), thở gấp, rối loạn nhịp thở cùng nhiều rối loạn khác. Theo các chuyên gia y tế, sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có “cơ địa dị ứng” (nghĩa là phản ứng bất thường xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác). Cơ địa là đặc tính cơ thể của từng người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng khi chạy thận nhân tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO