Cẩn trọng thuốc gia truyền rao bán trên mạng

Xuân Thủy 13/08/2018 07:00

Thời gian gần đây, trên các trạng mạng xã hội công khai quảng cáo các loại thuốc gia truyền với nhiều công dụng, có thể chữa đủ các loại bệnh từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, tiểu đường, gan thận cho đến ung thư…

Thuốc gia truyền bán tràn lan trên mạng

Dạo một vòng thị trường thuốc đông y gia truyền trên Facebook, enbac.com, vatgia.com, người tiêu dùng sẽ phải lóa mắt vì một loạt cửa hàng thuốc “gia truyền” chữa đủ các loại bệnh từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, gan thận cho đến ung thư…

Không cần giấy phép, không cần phân biệt thật hay giả, chỉ với cái tên “gia truyền”, các thầy lang online chào mời khách hàng mua thuốc. Mười như một, thầy thuốc nào cũng quảng cáo bài thuốc đông y “gia truyền” của mình bằng hình ảnh có thật, có tên người, địa chỉ, số điện thoại, tin nhắn gửi lời cảm ơn khi đã được chữa khỏi bệnh nhờ thuốc.

Về tâm lý người bệnh, chỉ cụm từ “gia truyền” thôi đã phần nào lấy được lòng tin của họ. Đánh vào tâm lý đó, thầy lang quảng cáo bài thuốc của mình nghe như rót mật vào tai “Điều trị dứt điểm”, “Không độc hại với cơ thể”, “Hoàn toàn từ thảo dược quý hiếm”, “Không hết bệnh hoàn lại tiền”, “Đã có hơn 10.000 bệnh nhân trên khắp cả nước sử dụng và 95% đã khỏi hoàn toàn”… cùng với tiêu chí bán hàng tư vấn tận tâm từ biểu hiện bệnh, tác dụng thuốc, quan tâm khách sau khi nhận hàng và nhận tư vấn cụ thể qua điện thoại, khách hàng vội tin và đặt sinh mạng của mình cho người bán mà không biết kết quả sẽ ra sao.

Tại facebook có tên N.Q.A. với hơn 434 nghìn lượt theo dõi, quảng cáo bán thuốc tăng cân Đông y gia truyền dân tộc Sán Dìu với cam kết tăng cân 100%. Chủ facebook giới thiệu là thuốc này đặt trực tiếp từ bà dân tộc nặn, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chỉ với giá 800k/1 hộp/1kg người dùng chắc chắn tăng từ 2-5kg…
Hầu hết khi những thang thuốc gia truyền này được gói trong túi nhỏ hoặc trong bình nhựa kèm tên thuốc, theo địa chỉ, số điện thoại của người bán mà không có thành phần rõ ràng.

Tránh “tiền mất, tật mang”

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết: BV đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y. Điều đáng nói là những bệnh nhân này đều mua thuốc từ những thầy lang vườn, qua quảng cáo trên mạng hay lời đồn thổi, giới thiệu từ người quen. Không ít người đã phải trả giá vì bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong”.

Trước tình hình thuốc đông y, gia truyền quảng cáo tràn lan trên các trang mạng, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm- Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin các cơ sở đông y đang quảng cáo trên mạng xã hội.

“Đã là thuốc thì cần thận trọng, vì dù thuốc đông y có lành tính nhưng nếu hàm lượng thuốc thừa hoặc thiếu so với quy định cũng gây độc hại cho người dùng”- ông Siêm cảnh báo.

Theo ông Siêm, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận, sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” của thị trường thuốc đông y gia truyền trên mạng cũng là vấn đề làm các cơ quan chức năng đau đầu. Ông Trần Hùng -Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 1/2018, Bộ Công Thương đã ký Quyết định 334/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ.

Ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg tăng cường đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng dược phẩm, mỹ phẩm giả. Chỉ thị nêu rõ, tình hình buôn lậu, gian lận hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp nhưng tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp.

Trong khi đó, sự bùng nổ của dịch vụ internet, kinh doanh, quảng cáo trên các trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ tiếp nhận, mua bán sản phẩm dù không biết chính xác về công dụng của chúng.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc tràn lan, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh thì ngành y tế, cục quản lý y dược học cổ truyền, Thanh tra Bộ Y tế, phòng cấp chứng chỉ hành nghề cầm tích cực rà soát, có những biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để những nhà thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội để bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền đến người dân. Và hơn ai hết, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân nên cảnh giác với các loại thuốc gia truyền không được sờ tận tay thấy tận mắt, không để đến lúc tiền mất tật mang mà không ai chịu trách nhiệm thay người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng thuốc gia truyền rao bán trên mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO