Cẩn trọng viêm não virus

Ngọc Hà 16/08/2020 09:00

Hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 được xem như là “mùa” của dịch bệnh viêm não. Bộ Y tế cảnh báo, bệnh viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền, trong đó có các bệnh viêm não virus.

Ảnh minh họa.

Dấu hiệu nhận biết

Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, đờ đẫn, hôn mê… Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng.

Các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các virus khác mà ta chưa biết rõ,… Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm.

Theo các bác sĩ, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta. Từ trước những năm 1997, khi nước ta bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não virus chủ yếu là virus viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não vào năm 1995.

Theo chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus Coxsackie là một chủng siêu vi ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như hội chứng viêm não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay - chân - miệng, viêm cơ tim... Căn bệnh này ghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè. Bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh,…

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu.

Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp. Trường hợp nặng bé co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh.

Vì thế, BS Dũng khuyến cáo, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não virus, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do virus viêm não tấn công. Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm hơn người lớn do lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc...

Bệnh diễn tiến nhanh

Hàng năm trên thế giới có khoảng 67.900 trường hợp viêm não Nhật Bản. Tỷ lệ tử vong chiếm 25-30%, 50% để lại di chứng nặng nề. Gần đây, Việt Nam vẫn còn ghi nhận một số trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản biến chứng nặng, do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Số mắc rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong hơn 10 năm trở lại đây, số ca mắc viêm não virus trung bình khoảng 1.000- 1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20- 50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200 - 300 trường hợp mắc và tăng cao vào các tháng mùa Hè. Đây là bệnh có diễn biến nặng, chủ yếu tấn công trẻ dưới 15 tuổi. Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch; Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Bên cạnh đó phải nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết đường lây nhiễm virus Coxsackie chủ yếu là qua phân và miệng mặc dù trong một số trường hợp virus có thể lây qua nước bọt và đờm rãi li ti bay trong không khí từ bệnh nhân khác. Các vật dụng cá nhân như dụng cụ, vị trí mà trẻ nằm thay tã lót, đồ chơi trẻ em đã tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể bệnh nhân có chứa virus cũng có thể là nguyên nhân truyền bệnh.

Ông Phu cũng khuyến cáo người dân phải giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân. Các bậc phụ huynh nên chú ý, khi các bé có biểu hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, khó thở... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ, để khẳng định bệnh, bác sĩ sẽ phải tiến hành chọc dịch não tủy để xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh tình trạng phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh.

Viêm não do virus xuất hiện quanh năm, mùa dịch vào các tháng hè và đỉnh điểm là tháng 6 - 8. Cục Y tế dự phòng dự báo bệnh sẽ gia tăng trong thời gian tới. Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời thì sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập… và có tỉ lệ tử vong từ 10% đến 15%.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng viêm não virus

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO